Để trẻ không “cắm mặt” vào điện thoại trong kỳ nghỉ Tết...
Những bài tập về nhà "đặc biệt" của học sinh Thủ đô vào dịp Tết Học sinh Thủ đô mang xuân yêu thương đến với bệnh nhi Học sinh Thủ đô háo hức trổ tài gói bánh chưng xanh |
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - tuỳ theo sức của mình
Không phải ngẫu nhiên mà các bậc phụ huynh lại đặc biệt lo lắng cho con em của mình vào mỗi dịp Tết đến xuân về, bởi việc nghỉ học dài ngày sẽ phần nào tác động làm lũ trẻ mải chơi, lạm dụng thiết bị di động nhiều hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng là sa sút trong học tập. Thấu hiểu điều đó, nhiều thầy cô đã đưa ra những bài tập về nhà cho trẻ vô cùng hấp dẫn, sáng tạo để lũ trẻ không chỉ có kỳ nghỉ lễ trọn vẹn mà còn được đóng góp phần nào công sức nhỏ bé của mình cho những ngày sum vầy cùng gia đình.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào) tham gia trải nghiệm cùng các bạn nhỏ trong ngày hội xuân tại trường. |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào cho biết: “Năm nào cũng vậy, trước khi học sinh chuẩn bị bước vào kì nghỉ, giáo viên trong trường đều có những chia sẻ, lưu ý cho các con nhằm đảm bảo an toàn trong dịp xuân, cùng với đó hướng dẫn trẻ những công việc “tuỳ theo sức mà làm” để các bạn phụ giúp bố mẹ trong kỳ nghỉ Tết”.
Cụ thể, hoạt động đầu tiên trẻ nhỏ có thể phụ giúp bố mẹ đó là cùng dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, trang trí nhà cửa đón xuân.
Qua công việc đó, các bé sẽ cảm thấy háo hức khi được bố mẹ “nhờ” phụ giúp, hoàn thành công việc, lũ trẻ chắc chắn rất hạnh phúc khi nhận được lời khen ngợi từ gia đình và mọi người xung quanh, điều này giúp tiếp thêm động lực cho mỗi cá nhân ngày càng thêm cố gắng.
Học sinh bày tỏ sự hào hứng khi Tết này trở về nhà sẽ được trực tiếp hỗ trợ bố mẹ vào những công việc phù hợp với sức của bản thân. |
Thứ hai là cho các bé trải nghiệm đi chợ, siêu thị Tết để mua sắm đồ cùng bố mẹ. Theo chia sẻ của cô Nguyệt, đây một là hoạt động bất kỳ đứa trẻ nào cũng muốn tham gia. Vì qua những bài học hướng dẫn trẻ đóng vai theo chủ đề ở mỗi tiết dạy trên lớp, cô Nguyệt hiểu rằng, các hoạt động trải nghiệm như vậy sẽ khiến các cô, cậu học trò cảm thấy mình có vai trò như một thành viên trong gia đình khi được trực tiếp đi mua sắm những đồ dùng cần thiết cho dịp Tết cổ truyền.
Thứ ba, cô Nguyệt cho rằng, trong thời gian nghỉ Tết, ngoài những lúc cả nhà cùng nhau đi chúc Tết, bố mẹ cũng nên sắp xếp thời gian riêng vui chơi cùng lũ trẻ. Bởi, với tuần suất công việc bận bịu cả năm, Tết chính là dịp để mỗi gia đình thêm gắn kết tình cảm, sẻ chia và đồng hành cùng nhau nhiều hơn qua các hoạt động đơn giản như: đọc sách, xem phim hay cùng nhau chơi 1 trò chơi điện tử...
Đồng quan điểm với cô Minh Nguyệt, song cô giáo Dương Thị Thu - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Nam – Cuba lại có những sáng tạo rất riêng cho học trò của mình.
Cô Dương Thị Thu (Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Nam – Cuba) chụp ảnh cùng học trò của mình trong ngày hội gói bánh chưng tại trường. |
Dưới đây là những gợi ý của cô Thu gửi tới bậc cha mẹ phụ huynh và các bạn học sinh để giúp các bạn nhỏ không mất quá nhiều thời gian "cắm mặt" vào chơi điện tử, i-pad trong mỗi kỳ nghỉ Tết:
Thứ nhất là tìm hiểu các phong tục ngày Tết. Đây là việc làm đơn giản, bố mẹ có thể kể con nghe những câu chuyện ngày Tết, chỉ con cách làm những món ăn truyền thống dân tộc... Điều này dễ làm nhưng lại giúp giáo dục sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ giúp chúng hiểu hơn về ý nghĩa và nét đẹp của ngày Tết cổ truyền.
Thứ hai là khai bút đầu xuân. Theo cô Thu, đây là việc làm mang lại nhiều điều tốt đẹp cho tất cả mọi người khi thực hiện vào đầu xuân năm mới. Lý giải về điều này, cô Hiệu phó chia sẻ, khai bút đầu năm là một phong tục độc đáo của người Việt Nam và được thực hiện vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Phong tục tốt đẹp này luôn được gìn giữ và phát huy từ thời ông cha hàng nghìn năm trước đến tận ngày nay. Đặc biệt, tất cả mọi người đều tin rằng, việc khai bút sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp, may mắn, bình an trong năm mới.
Các bạn nhỏ bày tỏ niềm hạnh phúc trước những lời nhắn nhủ của cô Thu cũng như các thầy cô giáo của trường trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Tết kéo dài 8 ngày. |
Ngoài ra, cô Thu cũng khuyến khích học sinh của mình nên mạnh dạn dành tặng những lời chúc tốt đẹp cho những người thân yêu; cùng gia đình thăm hỏi anh em, họ hàng; du xuân, ngắm cảnh đẹp, cảm nhận không khí của mùa xuân dịp Tết Giáp Thìn 2024 để có 8 ngày nghỉ lễ trọn vẹn và ấm áp nhất.
Bài tập về nhà đặc biệt
Được vinh danh là nhà giáo tâm huyết sáng tạo của năm 2023, năm nay cô Duy Thị Khánh Hường - Giáo viên trường Tiểu học Đền Lừ đã có những lời khuyên vô cùng đặc biệt gửi tới học trò của mình vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo chia sẻ của cô Hường, đã từ lâu ban giám hiệu nhà trường luôn sát sao, chỉ đạo giáo viên tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết nguyên đán mà thay vào đó là các bài tập để giáo dục học sinh phát triển các năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Vì vậy, năm nào cô Hường cũng triển khai tới học sinh một bài tập tết đơn giản, gần gũi nhưng lại có tính giáo dục cao.
Cô Duy Thị Khánh Hường luôn có những bài tập về nhà vô cùng đặc biệt gửi tới học trò của mình trong kỳ nghỉ Tết |
Cụ thể, nữ giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện và tự đánh giá một số việc trong dịp Tết như: giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, góc học tập; nhận bao lì xì bằng hai tay - biết cảm ơn khi được nhận lì xì, biết nói lời chúc tết với người lớn tuổi...
Năm nay, tiếp tục triển khai thực hiện theo lời dạy của Bác: “Mùa xuân là Tết trồng cây” nên các bạn học sinh của lớp 1A2 do cô Hường làm chủ nhiệm đã được giao về một bài tập Tết ấn tượng, mang tên: Bài tập “gieo trồng”.
Đề bài của bài tập này rất đặc biệt, mỗi học sinh sẽ được nhận một món quà nhỏ là túi hạt giống. Mỗi túi hạt giống sẽ cùng các em gieo lên những điều tốt đẹp. Đó có thể là gieo yêu thương, gieo sức khỏe, gieo may mắn, gieo hạnh phúc, gieo hy vọng…
Tại lớp, học sinh được cô giới thiệu về ý nghĩa của việc trồng cây, cách thức trồng và chăm sóc cây.
Khi đã nắm được nội dung của đề bài, trong kì nghỉ Tết mỗi cô cậu học trò sẽ cùng người thân trong gia đình gieo trồng hạt giống, cùng chăm sóc để hạt giống nảy mầm vươn lên.
Đầu xuân năm mới, các bạn nhỏ sẽ cùng nhau gieo xuống những mầm xanh mang theo bao hy vọng và niềm vui.
Bài tập về nhà với chủ đề “gieo trồng” của học sinh của lớp 1A2 |
Chia sẻ thêm, cô Hường cho biết, khi nhận được món quà và nhiệm vụ đặc biệt trong dịp Tết Giáp Thìn tới đây, 100% học sinh của lớp đều tỏ ra vui vẻ và vô cùng hào hứng với bài tập này.
Sau kì nghỉ Tết, các bạn nhỏ sẽ mang đến lớp chậu cây của mình để có thể “khoe” với cô và các bạn thành quả của bản thân, điều này cũng đồng thời góp phần xây dựng lớp học xanh – sạch – đẹp.
"Qua đây, tôi mong muốn các con có được những bài học trải nghiệm gần gũi, gieo lên trong mỗi học sinh tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống", cô Hường bày tỏ.
Các bạn nhỏ vô cùng hào hứng khi cầm trên tay bài tập đặc biệt từ cô giáo chủ nhiệm |
Với mục tiêu dạy học gắn liền thực tiễn, ngành giáo dục Ba Đình nói riêng và ngành giáo dục Thủ đô nói chung luôn có những chỉ đạo để học sinh có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn. Có thể nói, khi nhận được những bài tập về nhà mà thầy cô giao cho, chắc chắn các bạn nhỏ sẽ không cần “đau đầu” với cả đống bài tập Toán, Tiếng Việt phức tạp, rắc rối.
Từ đây, ngày Tết sẽ là dịp để học sinh được rèn luyện cho bản thân rất nhiều năng lực, phẩm chất cần thiết như giáo dục lòng yêu gia đình, tự hào truyền thống dân tộc, biết kính trên, nhường dưới, biết giúp đỡ gia đình, rèn kĩ năng giao tiếp...
Chia sẻ thêm, đại diện phòng giáo dục Ba Đình cho biết, để thực hiện tốt những điều đó, Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai tới các bậc phụ huynh và học sinh rất nhiều hoạt động nhằm giúp con em và gia đình có tết an toàn, vui vẻ, nghiêm chỉnh thực hiện cam kết an toàn giao thông, cam kết phòng chống cháy nổ và sử dụng các chất cấm.