Để trẻ em Việt Nam không hụt hơi ở phút thứ 89
Bí mật khiến trẻ Nhật hiếm khi bị béo phì 3 sai lầm ‘kéo tụt’ chiều cao của trẻ Việt so với chuẩn |
Đó là những được các đại biểu thảo luận trong Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Cần thiết phải có tiêu chuẩn dinh dưỡng bữa ăn học đường
Một vấn đề được các đại biểu quan tâm trong hội nghị là sự cấp thiết của việc xây dựng tiêu chuẩn dinh dưỡng bữa ăn học đường, tiêu chuẩn dinh dưỡng của các thực phẩm, đồ uống bán ở căng tin. Thậm chí là cấm quảng cáo với những thực phẩm có thể gây hại cho trẻ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị |
Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng: Sự khác biệt về dinh dưỡng vùng miền ở Việt Nam rất lớn. Ở Hà Nội – TP.HCM theo khảo sát có tới hơn 40% học sinh tiểu học thừa cân béo phì. Trong khi đó ,ở miền núi các cháu còn chưa có gì để ăn. Về lâu về dài, Bộ Y tế cần xây thực đơn phù hợp với vùng miền, nhóm tuổi… để các trường học căn cứ vào đó triển khai trong bữa ăn bán trú của trẻ.
Đóng góp ý kiến TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Hiện tại đã có phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Tuy nhiên, trẻ miền núi chỉ có bữa ăn từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng nên rất khó đảm bảo chất lượng. Tại thành phố, trẻ bị “bao vây” bởi thực phẩm rác, thừa calo thiếu vi chất từ căn-tin đến cổng trường. Cần thiết phải có quy định cụ thể về thực phẩm được phép bán cho trẻ.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập tập đoàn TH |
Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho rằng, điều quan trọng nhất quyết định sức khỏe và tầm vóc con người là do chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Vì thế, cần phải quan tâm tới việc đổi mới và nâng cao hoạt động giáo dục thể chất, nâng cao chế độ dinh dưỡng cho trẻ em.
Hiện nay, tập đoàn TH đang tập trung hỗ trợ dự án xây dựng mô hình điểm tại các vùng, miền về thực hiện chế độ bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực nhằm triển khai xây dựng bữa ăn học đường, đồng thời giúp nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho mọi đối tượng từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và thay đổi thói quen thực hành ăn uống lành mạnh của trẻ.
Biến môn thể dục thành hoạt động thể thao yêu thích
Bà Phạm Quỳnh Nga, Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, con trai cô nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi con thích thể thao nhưng không yêu thể dục”. Điều đó cho thấy có vấn đề rất lớn trong tổ chức dạy thể dục chứ không phải thực hiện giáo dục thể chất ở Việt Nam.
Ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng đánh giá: Công tác giáo dục thể chất vẫn quá lạc hậu không đáp ứng được mong muốn. Ở trường Đại học Hàng hải, giáo viên vẫn dạy học viên bơi bằng cách bấm giây, trong khi nếu ngã xuống biển, cái học viên cần là tồn tại được bao lâu chứ không cần bơi nhanh bởi có bờ đâu mà cần nhanh.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Yến Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao chia sẻ: Các hoạt động giáo dục thể chất vài năm qua đã có những sự thay đổi về chất. Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động nhảy flashmob giữa giờ, tập võ cổ truyền… cho học sinh. Các phong trào như “bơi cùng Ánh Viên”… đã được phát động.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, ở các nước, vận động viên đỉnh cao nhiều người đi lên từ thể thao nhà trường. Việt Nam cũng nên đi theo hướng này và sắp tới, Bộ sẽ có chính sách để các trường có thể tuyển thẳng những học sinh có thành tích tốt về thể thao, đẩy phong trào trong nhà trường đi lên.
2020 sẽ triển khai mô hình mẫu ở 10 tỉnh thành
Sau năm đầu tiên thực hiện, đề án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên đã mang lại hiệu quả tác động tích cực với các nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, cán bộ y tế trường học…
Bước sang năm thứ 2, đề án sẽ triển khai thực hiện mô hình bữa ăn học đường ở 10 tỉnh thành với sự hỗ trợ của Tập đoàn TH.
Bà Thái Hương cho biết, Tập đoàn TH đã kí hợp đồng với những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Nhật Bản, kết hợp với những chuyên gia Việt Nam để thí điểm chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Sau thí điểm, bà mong có Hội đồng khoa học để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất với Chính phủ ban hành quyết sách mạnh mẽ.
“Không phải đến giờ chúng ta mới thực hiện đảm bảo dinh dưỡng học đường, rèn luyện thể lực cho học sinh, sinh viên nhưng lần này chúng ta làm bài bản. Một năm vừa rồi là bước khảo sát thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để năm tới đây sẽ triển khai mô hình điểm về bữa ăn học đường tại từng vùng miền có tính chất đặc thù về điều kiện thổ nhưỡng, văn hóa, kinh tế - xã hội. Sau một năm nữa, những mô hình điểm này sẽ được tổng kết", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” (gọi tắt là Đề án 41). Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2025: 100% cán bộ làm công tác y tế trường học; ít nhất 85% học sinh, sinh viên, giáo viên; ít nhất 50% cha mẹ học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa. |