Đề nghị bỏ quy định UBND cấp xã được quyền phân cấp
Cân nhắc quy định UBND cấp xã ban hành quyết định phân cấp Thủ tướng: Cần phân cấp, phân quyền hơn nữa cho địa phương |
Chiều 16/5, thảo luận tại tổ 9 (gồm đoàn: Quảng Ninh, Tây Ninh, Bến Tre và Hòa Bình) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các đại biểu cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật, đồng thời, tán thành việc xây dựng, ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, sửa đổi một số quy định của luật hiện hành để thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh. |
Quan tâm về nội dung văn bản của UBND cấp xã, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, hiện nay tại khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật Ban hành VBQPPL quy định: “2. HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp” và “3. UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Với quy định nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn: “UBND xã là cấp hành chính thấp nhất, nếu phân cấp thì phân cấp cho ai?”. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bỏ quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp, bởi thực tế bối cảnh hiện nay cấp xã là phải gần dân, sát dân, nếu quy định cấp xã lại tiếp tục phân cấp nữa thì không hợp lý.
![]() |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). |
Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhấn mạnh, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Góp ý vào khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật Ban hành VBQPPL, đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ băn khoăn việc UBND cấp xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp.
“UBND cấp xã là đơn vị nhỏ nhất chỉ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Nếu quy định UBND cấp xã phân cấp tiếp thì sẽ phân cho đơn vị nào?”, đại biểu nêu quan điểm.
Vì vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, cần nhắc bỏ cụm từ “phân cấp” và nên quy định theo hướng: "UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp".
Đại biểu cho rằng, trước đây huyện phân cấp cho xã là phù hợp nhưng hiện nay đã kết thúc hoạt động cấp huyện thì UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp tiếp là không hợp lý.
Về quy định chuyển tiếp tại khoản 18, Điều 1, đại biểu Đặng Bích Ngọc đồng tình với phương án của dự thảo luật khi cho phép VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực đến ngày 1/3/2027 hoặc cho đến khi bị thay thế bằng văn bản của cấp xã sau sắp xếp.
Tuy nhiên, cần làm rõ cơ chế xử lý trong các tình huống phức tạp. Ví dụ như văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện được ban hành riêng cho địa phương đã bị sáp nhập vào địa bàn khác hoặc trường hợp xã mới được hình thành thì nhiều xã thuộc cấp huyện khác nhau thì áp dụng văn bản nào và chính sách đặc thù đang áp dụng cho một xã sẽ được xử lý như thế nào khi nhập vào phường hoặc khu vực không đủ điều kiện áp dụng những nội dung này. Do vậy, nếu không có quy định hướng dẫn cụ thể sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện sau này.