Để một mùa lễ hội trang trọng, văn minh, an toàn...
Lễ hội chùa Hương 2024: Triển khai bán vé điện tử Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi Tăng cường kiểm tra, quản lý việc tổ chức các lễ hội |
Ứng dụng công nghệ vào tổ chức lễ hội
Thủ tướng Chính vừa ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội nhất trong cả nước, với 1.206 lễ hội trải dài khắp trong năm, trong đó, tập trung vào mùa Xuân, lễ hội Hà Nội được coi là nguồn lực lớn để thúc đẩy thu hút khách du lịch.
Vì vậy, trước mùa lễ hội Xuân 2024, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các các ngành liên quan, các địa phương không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên các website địa phương, nền tảng mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận, thực hiện.
Du khách trảy hội chùa Hương |
Tại Lễ hội chùa Hương năm nay, Ban Tổ chức tiếp tục chuyển việc bán vé từ mô hình truyền thống sang mô hình bán vé điện tử; đổi mới công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm an toàn, văn minh và thân thiện. Trong đó, tập trung chỉ đạo các nội dung tuyên truyền, bán vé, công tác điều hành, vận chuyển khách... Năm nay lần đầu tiên thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật bảo đảm an toàn, văn minh, lịch sự.
Ban Tổ chức cũng tiếp tục thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển trong khu vực Lễ hội để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Cụ thể, có tổng cộng 110 xe điện (từ 8 - 14 chỗ ngồi), chạy đưa du khách từ các bến xe vào bến đò theo lộ trình 3 tuyến đường: Bến xe Hội Xá - bến đò Yến Vỹ; bến xe Đục Khê - bến trượt Đồng Cừ; bến xe đường số 1 - bến đò chùa Tuyết Sơn. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng/người/lượt.
Các nghi thức truyền thống tại Lễ hội Tản viên Sơn Thánh |
Trang trọng, tiết kiệm
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho hay, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Tản viên Sơn Thánh năm 2024 và khai trương du lịch huyện Ba Vì. Cụ thể, năm nay, Lễ hội được tổ chức bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 22/2/2024), trong đó, chính lễ là ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 23/2/2024). Lễ hội được tổ chức tại Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì.
Ban Tổ chức khuyến khích tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, phát huy năng lực, sáng tạo, phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Trong khuôn khổ sự kiện này sẽ có nhiều hoạt động như rước nước từ sông Đà về đền Hạ; dâng hương tại các di tích đền Thượng, đền Bác, Đỉnh Mẫu (xã Ba Vì); đèn Trung, chùa Tản Viên (xã Minh Quang). Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống với sự tham gia của Nhân dân các xã trong, ngoài huyện và một số xã thuộc huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).
Đáng chú ý, năm nay, Lễ hội năm nay không tổ chức rước liên vùng với Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, tiết kiệm.