Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn
Cố đô Huế sẽ được quy hoạch mở rộng gấp 5 lần Chính phủ ban hành danh mục 24 quy hoạch hết hiệu lực |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI diễn ra sáng nay 15/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, 9 tháng qua, phát huy kết quả đạt được, thành phố đã ban hành sớm các kế hoạch, chương trình hành động, qua đó củng cố kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đạt được những kết quả nổi bật.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,35%, cao hơn cùng kỳ (7,01%); tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao (20,4%); thu ngân sách được bảo đảm. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, đạt 6,23 tỷ USD, dẫn đầu cả nước.
Thành phố cũng đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; đồng thời tập trung chỉ đạo, đôn đốc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn… Qua đó tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng.
Những nỗ lực này đã giúp xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018 của Thủ đô tiếp tục tăng 4 bậc, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ. Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội cũng được quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Đến nay, toàn thành phố đã có 6 huyện và 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/năm (năm 2017 là 38 triệu đồng/năm).
Riêng về công tác quản lý và phát triển đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, vừa qua, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu cơ bản phủ kín quy hoạch tiến tới quản lý theo quy hoạch.
Đến nay, thành phố đã phê duyệt 57/ 68 đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chung. Đáng chú ý, quy hoạch phân khu nội đô đã được hoàn chỉnh, đang hoàn thiện để lấy ý kiến Bộ Xây dựng; quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã gửi Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức rà soát quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu đô thị; xây dựng đề cương chương trình phát triển đô thị…
Dù vậy, UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ không ít tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từ đầu năm đến nay, như: công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình chậm; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đáp ứng tiến độ đề ra; vệ sinh môi trường, ô nhiễm không khí gây bức xúc nhân dân; trật tự đô thị, quản lý nhà chung cư tồn tại nhiều bất cập…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên có nhiều mặt, cả chủ quan và khách quan. “Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do giải quyết công việc thiếu tập trung, thiếu sáng tạo, chưa thực sự quyết liệt ở một số đơn vị. Năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…” - đại diện UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Trong 3 tháng cuối năm 2019, thành phố sẽ đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, thành phố cũng sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.