Đầu tư vào khu vực nông thôn: Chủ động phòng ngừa, ứng phó linh hoạt, hiệu quả

Sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn, đời sống của nông dân được nâng cao và bộ mặt nông thôn Việt Nam đã từng bước thay đổi theo hướng ngày càng hiện đại.
Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển Phó Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ 56 thanh niên nông thôn tiêu biểu Khi hạt lúa, củ khoai, bông hoa dại cũng thành một sản phẩm du lịch

Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại trong khu vực và trên thế giới trong đó có Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội song cũng tạo không ít thách thức đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam về thương hiệu, chất lượng sản phẩm… Do vậy, phát triển ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong nông nghiệp được coi là một xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp then chốt trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sự phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nhân dịp năm mới, Xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao đổi với ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú

- PV: Thưa ông, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã có những chính sách gì để hướng dòng vốn đầu tư vào khu vực này?

- Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Đây là chủ trương của rất lớn của Đảng và Chính phủ, vì thế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng xác định tập trung tối đa nguồn vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ứng dụng công nghệ cao và liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Để làm được điều đó, chúng tôi đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Cụ thể, liên tục rà soát, trình Chính phủ sửa đổi và hoàn thiện Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ Nghị định 41 ngày 12/4/2010, sau đó được thay thế bởi Nghị định 55 ngày 9/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định 116 ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55; Theo đó, các chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích sản xuất theo mô hình liên kết và ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị nông sản có thể kể đến như:

Khách hàng vay vốn (nông dân, doanh nghiệp): Không cần tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã được vay tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; Khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm từ 70 đến 80% giá trị dự án; Quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp; Quy định về cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ) khi xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN cũng có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn nhằm khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn như tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn.

Bên cạnh đó có nhiều chương trình tín dụng đặc thù nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong nông nghiệp như: Chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ (các TCTD dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5% đến 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68 ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để hộ dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Trong ngắn hạn, NHNN tiếp tục duy trì cho phép các TCTD được cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu trong việc lựa chọn nguồn vốn vay với chi phí phù hợp. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay tối đa là 4,5%/năm - thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.

Ngoài ra, NHNN còn chú trọng chỉ đạo các TCTD: Nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; Đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và thiệt hại do cơn bão số 8 và 9 vừa qua (như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh).

- PV: Với những cơ chế, chính sách được thiết kế bài bản, đồng bộ và hướng đến từng đối tượng cụ thể như vậy, xin ông cho biết những kết quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua là như thế nào?

- Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, đến nay đã có trên 83 TCTD và 1.181 quỹ tín dụng Nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn với địa bàn rộng khắp cả nước. Tính bình quân giai đoạn 2016 - 2019 (sau khi triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP), tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 19,83%, cao hơn mức tăng 16,02% tín dụng chung của nền kinh tế.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi… song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá. Ước đến cuối năm 2020, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 2,25 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,5% so với cuối năm 2019, chiếm 24,58% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó: Dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết đạt trên 5,2 nghìn tỷ đồng với gần 26 nghìn khách hàng còn dư nợ, cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 80% tổng dư nợ cho vay liên kết; Dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 27.000 tỷ đồng với hơn 13.000 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trên 90%), chủ yếu là cho vay trung, dài hạn.

Kết quả tín dụng trên góp phần tích cực giúp tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp năm 2020 có thể đạt khoảng 2,9 - 3%. Riêng lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng đã có mức tăng trưởng nhất định, lũy kế tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt khoảng 37,5 tỷ USD, tăng hơn 2,3% so với cùng kỳ 2019.

- PV: Như vậy là cơ chế, chính sách mà NHNN đã đi vào cuộc sống khá mạnh mẽ, dòng tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, dự địa phát triển cho khu vực này còn nhiều. Đặc biệt là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, chúng ta thấy rõ vai trò của khu vực nông nghiệp, nông thôn, đây thực sự là bệ đỡ cho nền kinh tế ở những thời khắc nguy nan. Ông có thể kể đến một vài điểm khó khăn, hạn chế trong việc chèo lái con thuyền tín dụng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao được không?

- Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các TCTD trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, thách thức như:

Đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến do ý thức chưa cao và chế tài chưa nghiêm, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; Chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả, một số doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao theo quy định; Thị trường tiêu thụ không ổn định.

Việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các tài sản từ dự án nông nghiệp công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới...) tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn chậm.

Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành Nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép: Vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch Covid-19 vừa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp như bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm triển khai.

Những thách thức từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực như: Hàng hóa thị trường nội địa chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu; Các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu; Những rủi ro về thị trường, giá cả thế giới cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thích ứng kịp với xu thế hội nhập, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nên TCTD chưa có cơ sở để xem xét quyết định cho vay.

- PV: Vậy là vẫn còn khá nhiều những thách thức, khó khăn nhưng khi đã nhận diện rõ những vấn đề đó, tôi tin là ngành Ngân hàng sẽ phải có những đối sách phù hợp?

- Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Các Hiệp định thương mại quốc tế đặt ra nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị liên kết mới với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để ngành ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn VinGroup
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn VinGroup

Theo đó, trong thời gian tới NHNN sẽ thực hiện: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất góp phần ổn định nền tảng vĩ mô để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó mạnh dạn đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu;

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, 116 của Chính phủ, trong đó khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chuỗi liên kết trong nông nghiệp; Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng tham gia chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng; Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay; Tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Để các chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, NHNN có một số kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương như sau: Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ giải pháp được giao tại các Nghị định của Chính phủ thúc đẩy phát triển nông nghiệp (như Nghị định 98 ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong nông nghiệp, Nghị định số 57 ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 58 ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp...); Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phù hợp giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng vùng, địa phương và thị trường; Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, người dân cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khu vực và quốc tế, nhu cầu mới của người tiêu dùng trong nước; Chủ động hình thành và tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trên cơ sở tận dụng các lợi thế sẵn có của nông sản Việt Nam.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Thống đốc Thường trực.

Phương Anh (thực hiện)
Phiên bản di động