Phó Thống đốc nói về nhiệm vụ rất nặng nề của ngành ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ thị trường vàng Ngành ngân hàng sẽ từng bước hóa giải những thách thức |
Tại họp báo Chính phủ chiều 5/2, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã nêu các giải pháp của ngành ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025.
Theo ông Tú, nếu muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, mà muốn đầu tư thì phải có vốn để bảo đảm phát triển. Mức tăng trưởng trên 8% hướng đến 10% của năm 2025 là con số rất ấn tượng mà Chính phủ đặt ra, căn cứ điều kiện cũng như thực tiễn, thể hiện sự cố gắng, đồng bộ, quyết liệt để phát triển nền kinh tế, phấn đấu năm nay làm tiền đề cho giai đoạn sau nữa.
"Chính vì thế chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ rất nặng nề", ông Tú nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong nhiều năm qua, như năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%.
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
"Vấn đề làm sao phải có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025", ông Tú nói thêm.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, cuối năm 2023, tổng dự nợ khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy riêng năm 2024, chúng ta tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay năm 2024 là 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.
Về định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng 8%, phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp theo cần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khoá, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại.
Theo ông Tú, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện trước hết quan điểm vẫn phải là làm sao đạt mục tiêu, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.
Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại…
Ông Tú cho rằng, các giải pháp phải bảo đảm thành quả cho nền kinh tế, cho các nhà thương mại. Các thành quả này chính là đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế từ doanh nghiệp, người dân. Và có chính sách lãi suất hợp lý để huy động vốn này.
Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.
Đồng thời tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các yêu cầu khác trong quan hệ vĩ mô của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm các chi phí của mình, ứng dụng công nghệ giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.
Trong điều hành hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đặt ra 16% nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng. Phương thức điều hành quản lý hạn mức này, năm 2024 đã có đổi mới và năm 2025 tiếp tục đổi mới và tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại.
"Nếu cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh của Ngân hàng thì việc chủ động được nâng cao. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế", ông Tú nói.
Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá của thị trường ngoại tệ cũng tiếp tục hóa giải những tác động của thế giới để duy trì một thị trường ngoại tệ ổn định.
Ngay từ đầu năm, mặc dù đã có tác động không tích cực đối với nền kinh tế, đối với ngoại tệ nhưng Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành. Từ giữa tháng 1 đến nay, hầu như thị trường trở lại trạng thái rất tích cực trên cơ sở ngoại hối, kiều hối, dòng tiền xuất nhập khẩu, và điều đó tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ.
"Chúng tôi cũng sử dụng các biện pháp can thiệp khi cần thiết để đảm bảo được quan hệ ngoại tệ một cách tích cực và đảm bảo tỷ giá ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ cũng như đối phó", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.