Đầu năm trẩy hội Đền Và

Đền Và còn gọi là Đông Cung, một trong “tứ trấn” cung lớn thờ thần núi Tản Viên, thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây. Từ nhiều năm qua, lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội lớn và đông vui nhất xứ Đoài - đây được coi là cây cầu tâm linh bền vững, kết nối đông đảo Nhân dân đôi bờ Nam - Bắc sông Hồng.
Sơn Tây: Hàng ngàn du khách thành tâm dâng hương khai hội đền Và Sơn Tây - Hà Nội: Hiệu quả từ mô hình quản lý tiền công đức tại đền Và

Phảng phất truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh

Cách Quốc lộ 32 chừng 2 km, Đền Và (thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) tọa lạc trên một quả đồi rộng và thấp, thâm u bóng lim cổ thụ, bao quanh là những bức tường xây bằng đá ong. Trong không gian rộng chừng 2000m2 của Đền Và, thời gian dường như chậm lại, đưa du khách trở về thời quá khứ xa xăm.

Đền Và (Sơn Tây) thờ Thánh Tản Viên - đây là địa chỉ tâm linh nổi tiếng xa gần
Đền Và (Sơn Tây) thờ Thánh Tản Viên - đây là địa chỉ tâm linh nổi tiếng xa gần

Đền Và gắn với câu chuyện đậm màu truyền thuyết về Đức Thánh Tản Viên - tục thường gọi là Sơn Tinh.

Ông Ngô Đình Ngũ, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây) cho hay, truyền thuyết về Hùng Vương trên đất Phong Châu, tức vùng đất Sơn Tây xa xưa với huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh đã thấm sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt Nam, mãi mãi không phai mờ.

Đối với Nhân dân, Tản Viên Sơn là vị thần có công cứu dân qua nạn Hồng Thủy, giúp dân đánh giặc, dạy dân làm nghề… được nhân dân suy tôn “Nam thiên thánh Tổ”.

Dấu tích cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh giành lại Ngọc Hoa công chúa còn để lại nhiều địa danh vùng non Tản - xứ Đoài cho đến ngày nay như: Đầm Đượm, cầu Hang, cầu Cộng, xóm Cá Trê…). Người đã trở thành bậc Thánh, sống trường tồn vĩnh hằng cùng trời đất, là bậc "Thượng Đẳng tối linh Thần". Là "Đệ nhất phúc Đẳng Thần", "Thiên địa Đại đức".

Lễ hội Đền Và thu hút hàng vạn khách thập phương
Lễ hội Đền Và thu hút hàng vạn khách thập phương

"Sức sống mãnh liệt của hình tượng Tản Viên của người Việt cổ đồng bằng châu thổ sông Hồng và các cư dân Việt - Mường quanh núi Ba Vì là minh chứng hùng hồn về vị trí của vùng đất cổ Sơn Tây trong lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta" - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nhấn mạnh.

Đối với sự phát tích của Đông cung Đền Và, tương truyền thuở ấy, khi vua Hùng nghe lời Sơn Tinh trao ngôi vua cho Thục Phán, đất nước trở lại cảnh thanh bình. Sơn Tinh cùng Mỵ Châu về sống trên núi Ba Vì.

Ngài thường du ngoạn bốn phương, hỏi thăm dân tình. Một lần, Ngài nhằm hướng mặt trời mọc đi đến quả đồi thấp ven dòng sông Tích. Thấy đây là nơi thắng địa, Ngài dừng chân nghỉ ngơi vừa lúc trên trời xuất hiện đám mây ngũ sắc từ phía núi Ba Vì bay tới kịp che mát một vùng. Ngài cho đó là điềm lành, bèn cho lập tại chỗ một hành cung. Nơi ấy nay là Đền Và.

Linh thiêng lễ hội Đền Và

Trong dân gian từ hàng trăm năm qua đã lưu truyền rằng:

“Dù ai đi lễ trăm miền

Không bằng cầu lễ tháng Giêng Đền Và"

Câu ca trên vẫn được dân gian truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác để ngợi ca về lễ hội đền Và - một lễ hội vùng lớn và đông vui nhất của xứ Đoài đã trở thành điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách thập phương vào mỗi dịp đầu xuân. Theo phong tục cổ truyền, lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kì và định kỳ ba năm một lần vào các năm Tý – Ngọ - Mão - Dậu thì mở hội chính.

Ông Trần Anh Tuấn (Thành uỷ viên, Bí thư Thị uỷ Sơn Tây) đánh trống khai hội đền Và 2023
Ông Trần Anh Tuấn, Thành uỷ viên, Bí thư Thị uỷ Sơn Tây đánh trống khai hội đền Và 2023

Năm 2024, Xuân Giáp Thìn, xã Trung Hưng tiếp nối truyền thống, vẫn chuẩn bị chu đáo cho hội Đền Và.

Theo thông tin từ ban tổ chức, Lễ hội Đền Và sẽ diễn ra từ chiều ngày 23/2/2024 – 26/2/ 2024 (tức ngày 14 tháng Giêng đến ngày 17 tháng Giêng).

Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng, được tổ chức chặt chẽ. Theo thông lễ, từ ngày 13 tháng Giêng, người dân thôn Vân Gia lên đền dọn dẹp, trang trí cờ hội. Buổi chiều, dân các thôn rước cỗ kiệu của làng mình về đặt ở sân trước nhà tiền tế tại đền Và. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản từ thị xã Sơn Tây qua sông Hồng sang đền Ngự Dội, nằm trên địa phận thôn Duy Bình - xã Vĩnh Ninh - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc để tế lễ, rồi quay trở lại Đền Và.

Người dân đến với lễ hội Đền Và để cầu một năm mới bình an, may mắn
Người dân đến với lễ hội Đền Và để cầu một năm mới bình an, may mắn

Các cỗ kiệu xuống thuyền qua sông. Cư dân vạn chài ở trên sông tấp nập kéo tới, ghép thuyền lại thành một cầu phao lớn cùng đưa đoàn rước sang sông và họ nhập vào đoàn rước trở thành những ngư­ời đi hội. Quan niệm của dân vào ngày này vạn chài nào trên sông làm nhiều điều phúc thì Thánh Tản sẽ cho nhiều lộc lớn trong năm.

Sang ngày 15 tháng Giêng, ngày chính hội là những cuộc vui chơi, tiếp đón khách thập phương đến đền Và dâng h­ương, hoa trái và viếng Đức Thánh Tản. Ngày 15 ở sân tr­ước nhà tiền tế có đấu vật. Các đô vật xứ Đoài đến vật chầu bóng Thánh, sau đó diễn trò vui vật giật giải, một thú vui đua sức, đua tài vốn rất đ­ược dân xứ Đoài hâm mộ. Lễ hội thu (rằm tháng 9 âm lịch) Lễ hội mở vào ngày 14 tháng 9 (Âm lịch), dân làng các thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai, Đạm Trai ùa ra đoạn sông Tích từ Thượng Cầu Vang (giáp xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (giáp thôn Ái Mỗ) cùng đánh bắt cá tập thể trên đoạn sông này

Từ nhiều năm qua, lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội lớn và đông vui nhất xứ Đoài đã trở thành cây cầu tâm linh bền vững, kết nối đông đảo nhân dân đôi bờ Nam - Bắc sông Hồng thành một khối.

Bí thư Thị uỷ Sơn Tây cho hay: "Lễ hội Đền Và với ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong hàng "Tứ bất tử” Việt Nam. Bên cạnh đó, lễ hội còn có ý nghĩa tuyên truyền, giới thiệu truyền thống văn hóa, tiềm năng du lịch của vùng đất cổ xứ Đoài “địa linh - nhân kiệt”, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc".

Vũ Cường
Phiên bản di động