Đại hồng thủy chưa từng có, quân dân Quảng Bình căng mình chống lũ
Quảng Bình: Thót tim giải cứu xe khách chở 18 người bị lũ cuốn trong đêm Quảng Bình chìm trong biển nước, hơn 40.000 ngôi nhà ngập sâu trong lũ FLC Quảng Bình – Sức hút của giai đoạn phát triển mới |
Trận lũ kinh hoàng chưa từng có ở Quảng Bình
Tính đến chiều 19/10, trên hầu hết địa bàn tỉnh Quảng Bình đều có mưa lớn kéo dài từ chiều qua 18/10. Mực nước ở cá sống bắt đầu lên nhanh từ rạng sáng nay. Tính đến thời điểm trưa nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 100.000 ngôi nhà ngập sâu trong lũ.
Lệ Thủy (Quảng Bình) nhìn từ trên cao. |
Ghi nhận của PV, tại TP. Đồng Hới, mưa lớn từ chiều 18/10 đến chiều 19/10 khiến nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước, có nơi ngập sâu hơn 2 mét. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, giao thông tắc nghẽn. Theo người dân Đồng Hới, đây là trận lũ lớn nhất từ trước tới nay mà họ từng trải qua.
TP. Đồng Hới ngập sâu kỷ lục. |
Tại huyện Tuyên Hóa, nước sông Gianh bắt đầu lên nhanh từ sáng nay. Đỉnh điểm lũ tại khu vực hay ngập lụt như xã Mai Hóa mực nước lên 9.2m trên mức báo động III là 2.7m. Gần 4.000 ngôi nhà bị lũ chìm sâu, chủ yếu ven hai bên bờ sông Gianh, giao thông đình trệ vì nhiều tuyến đường huyết mạch bị nước ngập sâu.
Huyện Lệ Thủy là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bị hai đợt lũ chồng. Lũ trên sông Kiến Giang đạt 5.20m trên mức báo động III là 2.5m, hầu hết diện tích huyện Lệ Thủy đều bị ngập sâu trong lũ, có hơn 30.000 ngôi nhà bị nước ngập.
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy. |
Huyện Quảng Ninh có gần 15 ngôi nhà bị nước ngập, một số địa bàn bị chia cắt như xã Trường Sơn khi các tuyến đường và xã này bị ngập sâu hoặc bị sạt lở.
Tại TX.Ba Đồn, mực nước dâng cao chưa từng có khiến khu vực trung tâm thị xã ngập nặng, hầu hết các xã vùng Nam thị xã ngập trong lũ, giao thông bị chia cắt từ chiều hôm qua vì nước sông Gianh lên nhanh.
Mưa lũ đã làm chết 4 người (Lệ Thủy 2 người, Quảng Ninh 2 người). Có 6 người bị thương (Tuyên Hóa 4 người, Minh Hóa 2 người). Giao thông hầu hết bị đình trệ vì mưa lũ chia cắt.
Quân dân căng mình chạy lũ
Trước tình hình nước lũ dâng cao, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã, các thôn, bản và người dân địa phương đã kịp thời di dời khoảng 10.000 hộ dân vùng ngập lũ sâu và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Các hộ dân được di dời tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn...
Tối 19/10, trao đối với ông Trần Phong - PCT UBND tỉnh Quảng Bình về công tác cứu hộ một số địa bàn bị chia cắt, ông Phong cho biết: "Hiện tại thì một số địa bàn đã được tiếp cận trong hai ngày hôm nay, nhưng bằng những thuyền và cano công suất nhỏ và len lỏi vào các hộ dân để đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Cụ thể tại địa bàn huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Còn một số địa bàn do nước chảy xiết, hiện các phương tiện cứu hộ lớn không thể cơ động vào từng nhà dân được vì gây ảnh hưởng đến các công trình nhà ở của dân, còn các phương tiện nhỏ và vừa thì chuâ thể tiếp cận được vì nước sông Gianh đang lên nhanh và chảy xiết.
Hiện tỉnh đang chỉ đạo các lực lượng chức năng tìm các phương án nhanh nhất để cơ động được các phương tiện đi vào vùng bị chia cắt nhằm đảm bảo công tác cứu hộ nhanh nhất và an toàn cho các lực lượng cứu hộ".
Xe tải được sử dụng để đưa cơm và nhu yếu phẩm đến bà con. |
Từ tối 18/10, tại khu vực huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nước lên nhanh khiến người dân nhiều nơi không kịp sơ tán phải bỏ của chạy lấy người. Nhiều nhà nước ngập lên mái nhà phải kêu cứu qua mạng xã hội. Nhiều đoàn cứu hộ trắng đêm dầm mình trong nước lũ để tìm cứu người dân mắc kẹt.
Xuồng máy là phương tiện hữu dụng nhất trong việc tiếp cận người dân. |
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương và các lực lượng chức năng nhất là Quân sự, Biên phòng, Công an, người dân sở tại... đang tập trung cao độ thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tại các địa bàn xung yếu ngập sâu trong nước lũ; tiếp tục thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống, đối phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động, tích cực triển khai công tác cứu hộ, di dời dân khỏi vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cơ động đến những vùng xung yếu kịp thời cứu giúp người dân; thực hiện tốt việc cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác.
Lực lượng công an giúp phụ nữ đi đẻ. |
Hàng trăm đoàn thiện nguyện ở TP. Đồng Hới từng giờ chuẩn bị đồ ăn, nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết liên tục chở đi các vùng ngập lụt để ứng cứu người dân.
Hiện tại khu vực 9 xã vùng Nam TX.Ba Đồn đang bị nước ngập sâu, ngoài lực lượng địa phương thì các lực lượng cứu hộ bên ngoài chưa thể tiếp cận vì nước sông Gianh đang lên cao và chảy xiết. Mọi công tác ứng cứu phải chờ vào tỉnh hình nước lũ ngày mai.