Phiên chợ vùng cao những ngày cuối năm đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường, bởi đây là dịp bà con ghé chợ không chỉ tất bật mua sắm, mà còn cùng nhau trò chuyện, giao lưu bản sắc văn hóa, tổng kết lại năm cũ và cầu mong những điều suôn sẻ, may mắn trong năm mới.
Theo ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm, dòng người khắp nơi đã đổ về "vây kín" các phiên chợ vùng cao với váy áo rực rỡ sắc màu.
|
Chợ Quang Minh (Bắc Quang, Hà Giang) là phiên chợ được họp vào thứ 7 hàng tuần; theo chia sẻ của người dân tại đây, ngày thường phiên chợ có khoảng trên 1.500 lượt người tham gia trao đổi hàng hóa, riêng những ngày lễ Tết số lượng có thể gấp 2; 3 lần, các gian hàng đều chật cứng người mua, kẻ bán. |
|
Trước thềm đón năm mới Giáp Thìn 2024, phiên chợ như khoác thêm màu áo mới với đa dạng các loại hình mẫu mã, sản phẩm khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa, đời sống các dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Dao, Nùng… nơi đây. |
|
Ngày Tết, phiên chợ đa dạng mẫu mã sản phẩm và hàng hóa, quy tụ đủ những sản vật của vùng cao Tây Bắc. |
|
Những sản vật được bà con bày bán chủ yếu là cây nhà lá vườn hoặc thu lượm được từ mỗi lần đi rừng như măng, quả táo, hoa chuối... |
|
Các loại rau, củ, quả thu hoạch trong chính mảnh vườn của gia đình cũng được bà con mang ra chợ phiên bày bán rất nhiều. |
|
Đặc biệt, giá cả các mặt hàng tại chợ không chênh lệch nhau nhiều so với ngày thường, những sản phẩm thiết yếu trong ngày Tết như ống giang rừng dùng làm lạt gói bánh có giá 5.000 đồng/ống; rau, củ quả có mức giá dao động từ 5.000 - 50.000 đồng/mớ/kg (tùy loại ản phẩm); măng rừng 20.000 đồng/kg... |
|
Bà Mông Bèm Fèn đang chẻ lạt, bó cuộn lại để bán cho khách hàng. Bà nói, giang được xếp thành từng bó, mỗi bó gồm 20 cây, một cây thường được chia thành 2 ống chẻ. Trung bình cứ một ống giang sẽ cho ra 100-150 chiếc lạt. Đối với lạt dùng để gói bánh chưng to, bà thường chẻ bằng nứa, bởi loại cây này có tính dẻo cao, độ dài, độ đàn hồi tốt hơn giang. Nứa sẽ được bán theo cân chứ không bán theo cây, giá nứa là 8.000 đồng/kg. |
|
Các gian hàng đông người ghé mua nhất là gian hàng bán lá dong. Loại lá dong có tán lá to, bản rộng, màu xanh đậm được bà con nơi đây đặc biệt ưa chuộng bởi khi làm bánh sẽ giữ được mà xanh và vị thơm đặc trưng. Tùy theo loại lá mà có giá từ 50.000 đồng – 90.000 đồng/100 tàu lá. |
|
Bà Mai đang lựa chọn mua những mặt hàng ngày Tết |
|
Góp phần tạo nên bức tranh đầy sắc màu của chợ phiên Hà Giang không thể bỏ qua những bộ trang phục thổ cầm sặc sỡ, nhiều màu sắc được dệt nên từ chính đôi bàn tay của những người phụ nữ vùng cao. |
|
Phiên chợ náo nhiệt hơn bao giờ hết với những âm thanh của gà, vịt, ngan, ngỗng… tất cả đã tạo nên âm sắc sống động của chợ Tết quê. |
|
Chị Chiên Thị Huyền nói: "Gia đình tôi có nghề truyền thống chạm bạc, vì thế cứ dịp cuối năm là tôi lại lên chợ phiên Quang Minh để bán trang sức làm bằng bạc. Ngoài ra tôi còn tự dệt và bán những chiếc khăn thổ cẩm của người Mông. Tôi mong rằng có thể mang sản phẩm đến tay nhiều người tiêu dùng, góp phần đưa thổ cẩm của người Mông được lan toả rộng, trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc. |
|
Anh Phan Đình Viên cho biết: "Tôi phải mất nhiều ngày lên rừng mới có thể thu hái được từng này dược liệu để bày bán trong mấy ngày cuối năm. Hy vọng sẽ giúp có ít tiền để mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình". |
|
Đa dạng các loại thảo được được anh Viên thu lượm được sau nhiều ngày đi rừng. Chia sẻ thêm, anh nói, mỗi loại thảo dược tươi anh bán đều có công dụng trị liệu khác nhau như giúp bổ thận, tráng dương, cường gân cốt, khử phong thấp, mát gan, kích thích hệ tiêu hóa… |
|
Người dân ở đây không nói thách giá, cũng chẳng ép khách mua, mọi việc trao đổi diễn ra vui vẻ, hài hoà "thuận mua, vừa bán". Nếu bán không hết, họ sẽ mang hàng hóa về và đợi đến phiên chợ sau. |
|
Nhiều loại gia vị đặc trưng đã được bà con chế biến, làm khô khiến bất kỳ ai đi qua cũng đều dừng chân lại vì mùi thơm đặc trưng của từng loại sản phẩm. |
|
Các gian hàng bán đồ gia dụng như bột giặt quần áo, giấy ăn, khẩu trang, dầu gội... cũng tấp nập khách hàng ghé qua. Có thể nói, dạo vòng quanh phiên chợ, nhóm PV của báo Tuổi trẻ Thủ đô như cảm nhận rõ mùa xuân đã về rộn ràng khắp ngõ nhỏ. |
Theo chân PV đến với phiên chợ Quản Bạ (huyện Quản Bạ, Hà Giang) chỉ họp duy nhất một lần trong tuần vào mỗi ngày chủ nhật là hình ảnh quen thuộc của bà con khi đổ xô đến chợ với những món hàng tươi sống trên tay.
Chợ nhộn nhịp nhất vào khoảng 6-9 giờ sáng. Ngày lễ Tết phiên chợ có thể kéo dài hơn tuỳ vào lượng khách hàng và khách tham quan ghé tới.
|
Cũng giống với hầu hết các phiên chợ tại Hà Giang, hàng hóa ở phiên chợ địa đầu Tổ quốc hầu hết là sản phẩm nhà trồng được như các loại rau củ quả khoai tây, bắp cải, su hào... |
|
Chị Lan Anh đang lựa chọn mua nải chuối về thắp hương của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tự tay trồng được |
|
Phải trực tiếp đến chợ, người mua, khách du lịch mới có thể cảm nhận được hết không khí ở đây: Mọi người chen chúc, đi qua, đi lại tìm những thứ hàng cần thiết cho gia đình vào dịp Tết. |
|
Ngay từ ngoài cổng, các mặt hàng đã bày bán khắp ven đường |
|
Chợ phiên Quản Bạ trông rất đơn sơ và giản dị, có gian hàng thậm chí chỉ chỉ cần có một chỗ ngồi, đặt hàng hóa trước mặt là xong. Thế nhưng khu chợ lúc nào cũng đông vui, tấp nập người bán, kẻ mua, đặc biệt vào ngày cuối năm. |
Quỳnh Giang, Ảnh: Linh Thương
Link bài gốc
Copy link