Đà Nẵng: Tài xế Grab điêu đứng bởi dịch Covid-19

Bán xe trả nợ, chạy khắp nơi vay mượn, thường xuyên cãi nhau với vợ là hoàn cảnh mà nhiều tài xế taxi công nghệ (Grab) đang gặp phải, khi không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.    
Đà Nẵng: Triệt xóa tụ điểm đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa, tạm giữ hàng trăm triệu đồng Đà Nẵng: Rủ em ruột đi trộm cắp để có tiền tiêu xài Đà Nẵng: Thu hồi dung dịch rửa tay Abibus Handrub do một công ty ở Hà Nội sản xuất Bị khởi tố ở Bình Định, trốn ra Đà Nẵng để mua bán ma túy qua mạng xã hội

Tình trạng này đã làm nhiều tài xế taxi công nghệ tại Đà Nẵng không có thu nhập, nhưng vẫn phải gồng mình trả nợ lãi, gốc vay ngân hàng trước đó để mua xe, cùng các khoản phí phải đóng hàng tháng.Với lượng khách du lịch giảm mạnh do dịch Covid – 19 bùng phát, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, dịch vụ vận tải cũng đứng trước tình trạng lao đao. Mặc dù lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tuy nhiên lượng khách vẫn chưa được cải thiện.


Bán xe để chữa bệnh cho mẹ và trả nợ

Đã hơn hai tháng nay, anh L.Đ.T (Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) tài xế ô tô Grab phải chạy đôn đáo để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, bởi nguồn thu nhập từ việc chở khách du lịch không còn.

Gánh nặng đè lên đôi vai của anh khi thu nhập chính của gia đình từ việc chạy xe không còn, vợ anh cũng phải nghỉ việc không lương theo yêu cầu của cơ quan. Chưa dừng lại ở đó, mẹ anh lại vừa mắc bệnh hiểm nghèo cần có một khoản tiền để chữa trị.

Đứng trước hoàn cảnh đó, tinh thần anh T gần như suy sụp vì không biết phải xoay sở như thế nào trong tình trạng này. Cũng may mắn, anh được vợ mình cảm thông, an ủi, cha mẹ động viên nên tinh thần cũng đỡ phần nào áp lực.

Để có tiền xoay sở, anh T đi vay mượn khắp nơi để trả nợ ngân hàng hàng tháng và trang trải cuộc sống hàng ngày. Tính đến nay, số tiền anh mượn từ bên ngoài đã lên đến 30 triệu đồng, chưa kể khoản tiền vay ngân hàng đầu tư mua xe.

Anh T bắt đầu chạy Grab vào giữa năm 2017, thời điểm đó dịch vụ chạy xe ô tô Grab còn rất mới mẻ ở Đà Nẵng, lượng khách sử dụng loại hình dịch vụ này khá đông. Để có tiền mua xe, anh vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng lãi suất 12% /năm, cộng với số tiền vợ chồng tích cóp dành dụm để mua chiếc xe hơn 600 triệu đồng làm phương tiện mưu sinh.

Anh T chia sẻ: "Mỗi tháng tôi phải trả tiền gốc lẫn lãi vay ngân hàng là 8 triệu đồng, trong vòng 6 năm. Đến nay đã trả được 2 năm thì dịch bùng phát.

Tôi đã hy vọng ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng do dịch Covid -19. Nhưng khi tôi gọi đến ngân hàng, họ cho tôi biết là chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh. Không thể cầm cự thêm, tôi bàn bạc với gia đình rồi quyết định bán xe để trả nợ và có thêm khoản tiền lo chữa bệnh cho mẹ rồi từ từ tính tiếp".

da nang tai xe grab dieu dung boi dich covid 19

Một xe ô tô grab được rao bán (Tấn Phước)

Không cầm cự được với lãi vay ngân hàng

Từ khi có đứa con thứ 3, vợ anh L.D.V (P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) phải nghỉ việc để ở nhà chăm con. Từ đó, anh trở thành lao động chính của gia đình.

Trước khi chưa có dịch, thu nhập hằng tháng cũng vừa đủ trang trải cuộc sống và trả nợ. Nay không có khách, xe nằm một chỗ thời gian dài khiến cuộc sống rơi vào bế tắc.

“Sáng giờ, ngồi uống cafe chứ chưa chạy được cuốc nào đâu. Bây giờ, tôi chuyển nghề khác cũng không được, bởi chạy xe quen rồi và không còn sức để làm những công việc khác”, anh V nói.

Nhìn ra chiếc xe đậu trước mặt, anh V không dấu được vẻ mặt lo lắng. Anh cho biết, nhóm chạy xe grab của anh có hơn 20 người. Đa số các anh đều phải vay mượn ngân hàng để mua xe. Nếu tình trạng không có khách tiếp tục kéo dài, dự tính hết tháng 5, nhóm của anh sẽ có hơn 10 người phải bán xe do không cầm cự được lãi vay ngân hàng chứ đừng nói là nợ gốc.

Tài chính cạn kiệt, vợ chồng lục đục

Hai tháng không có thu nhập đã đành, gia đình anh L.V.Th (Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) còn thường xuyên xảy ra cãi nhau. Nguyên nhân chính cũng vì tài chính bắt đầu cạn kiệt, trong khi bao nhiêu việc của gia đình, con cái… cần phải lo toan.

Trong thời gian này, ngày nào anh Th cũng đi ra ngoài. Đến giờ trưa, anh chờ mọi người ăn cơm hết rồi mới về nhà, nhanh chóng ăn xong cơm lập tức anh lại đi ra ngoài đến chiều mới về vì không muốn lời qua tiếng lại với vợ. Hơn nữa kiếm được đồng nào hay đồng ấy.

“Làm không ra tiền đưa vợ trang trải cuộc sống, tôi cũng thấy có lỗi và thương vợ con lắm. Hiểu tâm lý lúc không có tiền, trong khi bao việc cô ấy phải lo, dẫn đến ức chế tâm lý hay nổi cáu. Mỗi khi vợ như thế tôi đều im lặng, hoặc bỏ đi đâu đó chờ cô ấy nguôi ngoai rồi về”, anh Th tâm sự.

Nhiều tài xế cho rằng, đây là thời điểm khó khăn chung, hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để mọi hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa... trở lại bình thường. Nhưng quan trọng lúc này là, các ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ đối với các khoản vay mua xe, để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các tài xế như hiện nay.

Tổng cục Du lịch nhận định: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn thế giới, ngành du lịch quốc tế cũng như trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt từ giữa tháng 3 gần như bị ngưng trệ.

Từ số liệu thống kê của Tổng cục du lịch cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 đạt gần 450 nghìn lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đạt gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt khách, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Tấn Phước
Phiên bản di động