Cuộc sống của người dân Ấn Độ dưới nắng nóng gay gắt

Nắng nóng gay gắt đang trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Ấn Độ. Ít nhất 150 người đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng mới nhất trong tháng 6 vừa qua.
Mexico: Nắng nóng khiến hơn 100 người tử vong Nắng nóng kỷ lục tại xứ sở băng giá Siberia Hàng loạt quốc gia Châu Á thiếu điện do nắng nóng

Đội ngũ y tế bận rộn hơn

Tiếng còi xe cấp cứu vang lên inh ỏi ở vùng nông thôn khô cằn, đầy sỏi đá vào giữa trưa một ngày nóng nực tại thị trấn Banpur, thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ).

Khi dừng xe, các nhân viên y tế vội vã đến kiểm tra một người đàn ông 30 tuổi đang nôn mửa và chóng mặt, có thể do say nắng. Họ đỡ bệnh nhân lên xe cứu thương, kiểm tra mạch và nồng độ oxy.

Chỉ có chút thời gian để uống nước và rửa mặt cho tỉnh táo, lái xe cứu thương và các nhân viên y tế lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Lần này, họ được cử đến đón một phụ nữ mang thai đang chuyển dạ khi nhiệt độ đã lên mức 43 độ C.

Ca làm việc 12 tiếng diễn ra giữa mùa hè khắc nghiệt, đội ngũ y tế đôi khi nhận được cuộc gọi nhiều gấp đôi bình thường.

Các đợt nắng nóng kéo dài là một trong những hậu quả gây chết chóc nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo ước tính của Chính phủ Ấn Độ ước tính gần 11.000 người chết vì nắng nóng từ đầu thế kỷ XXI tới nay, dù các chuyên gia nhận định con số này chưa chính xác.

Cuộc sống của người dân Ấn Độ dưới nắng nóng gay gắt
Một bệnh nhi bị sốc nhiệt được bác sĩ thăm khám (Ảnh: AP)

Banpur, ngôi làng có khoảng 13.000 dân, nằm sâu trong vùng Bundelkhand nghèo đói. Đây là khu vực khô cằn, nhiều sỏi đá, ít cây bao phủ và được biết đến là một trong những vùng nóng nhất ở Ấn Độ.

Anh Naik và Kumar là những lái xe cứu thương chuyên chở người bệnh ở làng Banpur và khu vực lân cận, đến trung tâm y tế công cộng do Chính phủ điều hành. Chính quyền bang đã tài trợ cho dịch vụ xe cứu thương phi lợi nhuận này và biến nó trở thành phương tiện cứu người miễn phí cho người dân.

“Tôi coi mỗi bệnh nhân là người nhà của mình. Tôi không quan tâm trời nóng hay đang đói. Tôi làm nhiệm vụ đưa bệnh nhân ra ngoài và chở họ đến bệnh viện. Dù cảm thấy khó khăn khi lái xe dưới cái nóng khắc nghiệt nhưng điều đó chẳng là gì so với những khó khăn của bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp”, anh Naik nói.

“Tôi rất tự hào về công việc của mình. Bệnh nhân càng nguy kịch, thử thách càng lớn. Tôi rất hạnh phúc vì có thể cứu giúp nhiều người”, anh Kumar chia sẻ.

Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng có thể khiến con người chết từ từ. Ông Dileep Mavalankar, cựu Giám đốc Viện Y tế Công cộng Gandhinagar, cho biết, sốc nhiệt có thể gây ra cái chết nhanh chóng, trong khi cái chết từ từ có thể xảy ra đối với những người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng phải chịu đựng nắng nóng kéo dài.

Nơi làm việc như trong lò lửa

Ngày làm việc của anh Sandeep bắt đầu trong bóng tối. Vào lúc 3h30, anh đến công trường xây dựng ở ngoại ô thủ đô New Delhi, nơi ánh đèn pha chiếu sáng khung bê tông của một tòa nhà cao tầng.

Sandeep bắt đầu trộn vữa cùng hàng chục công nhân khác. 11 giờ, trời nóng đến mức họ không chịu nổi.

Cuộc sống của người dân Ấn Độ dưới nắng nóng gay gắt
Ít nhất 150 người đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng mới nhất trong tháng 6 ở Ấn Độ (Ảnh: Reuters)

“Khi mặt trời xuất hiện, chúng tôi có cảm giác như đang làm việc trong lò lửa. Sau đó, chúng tôi không thể làm việc tiếp cho đến tối muộn”, anh vừa nói vừa lau mồ hôi trên trán.

“Chúng ta có thể phải điều chỉnh hoàn toàn lối sống của mình để thích nghi với nhiệt độ ngày càng tăng", Sandeep nói thêm khi hoàn thành công việc vào khoảng 23 giờ.

Thời tiết khắc nghiệt cũng đang ảnh hưởng đến nông nghiệp. Nhiều vùng nông thôn Ấn Độ trở nên khô hạn bất thường, với một số khu vực phải hứng chịu tình trạng hạn hán.

Nhiều nông dân chia sẻ họ phải chật vật vì vụ mất mùa thứ hai liên tiếp do nắng nóng, được dự đoán sẽ khiến sản lượng thu hoạch lúa giảm đáng kể.

“Các đợt nắng nóng liên tiếp và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu khiến cả nhiệt độ ban đêm và ban ngày đều tăng. Để quang hợp, thực vật cần nhiệt độ ban đêm thấp hơn. Đặc biệt đối với việc trồng lúa, sự chênh lệch nhiệt độ ban đêm rất quan trọng. Nhiệt độ ban đêm cứ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa có thể giảm tới 10%”, ông Ramit Debnath, trợ lý giáo sư nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học Cambridge cho biết.

Tụê Uyên
Phiên bản di động