Cuộc "gặp gỡ" giữa 2 di sản văn hóa Việt – Nhật tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Đây là chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Sự kiện đã mang những nét văn hoá lâu đời và đặc trưng của đất nước Nhật Bản đến với không gian di tích cổ kính của Văn Miếu Quốc Tử Giám, đem đến cơ hội cho người dân Thủ đô khám phá các nét giao thoa tương đồng giữa hai nước.
Kyogen là thể loại hài kịch đầu tên ra đời tại Nhật Bản với bề dày truyền thống lịch sử 650 năm. Kyogen đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể và luôn được người Nhật tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế.
2 nghệ sĩ Ogasawara Tadashi và Ogasawara Hiroaki trình diễn Kyogen |
Trình diễn Kyogen là 2 cha con nghệ sĩ Ogasawara Tadashi và Ogasawara Hiroaki. Mang loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản tới di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các nghệ sĩ mong muốn cảm nhận không gian nghệ thuật được tạo nên từ sự kết hợp Nhật Bản-Việt Nam.
Nghệ sĩ Ogasawara Tadashi cho biết, ông đã đến Việt Nam năm 2022 và có cơ hội tìm hiểu về đời sống tại Việt Nam, nhận ra nhiều điểm chung trong văn hóa, nghệ thuật và nhận thức của người dân hai nước, nên rất vinh dự được biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp này.
Tại buổi diễn đầu tiên tối 10/5, nghệ sĩ đã lựa chọn vở diễn về cây cảnh Bonsai - một chủ để gần gũi với người dân Việt Nam, đồng thời cũng đan xen những câu thoại bằng tiếng Việt. Do đó, khán giả có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ, cảm nhận sức hấp dẫn của Kyogen và nhận được những tràng cười thoải mái.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio - ông Yamada Takio |
Cũng trong dịp này, 2 cha con nghệ sĩ người Nhật cũng mang theo 20 chiếc mặt nạ Nohgaku - tên gọi của nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản bao gồm kịch Noh và Kyogen. Các tác phẩm độc đáo này do chính Ogasawara Tadashi chế tác được trưng bày tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong suốt thời gian diễn ra sự kiện “Thế giới của hài kịch Kyogen”.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám - TS. Lê Xuân Kiêu cũng nhấn mạnh: “Trình diễn Kyogen tại di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi lưu giữ Di sản Tư liệu Thế giới 82 bia Tiến sĩ triều Lê – Mạc có thể ví như một sự “gặp gỡ” và “kết nối” di sản giữa hai nước”.
Trưng bày 20 chiếc mặt nạ Nohgaku - tên gọi của nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản bao gồm kịch Noh và Kyogen |
Tại sự kiện, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio - ông Yamada Takio chia sẻ rằng: “Tôi cảm thấy người Nhật Bản và người Việt Nam có điểm tương đồng trong sự hài hước, vì vậy tôi đã có ý tưởng thực hiện chương trình này với hy vọng có thể mang đến tiếng cười cho khán giả hai nước”.
Đại sứ hy vọng, thông qua chương trình các khán giả cũng có thể cảm nhận và khám phá ra những nét tương đồng gần gũi trong văn hoá, nghệ thuật cũng như những nhận thức đối với tự nhiên giữa 2 quốc gia.