"Cuộc đua nghẹt thở" vào lớp 10 công lập của cha mẹ

Hôm qua (28/6) có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của hơn 90 nghìn cha mẹ học sinh có con thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội. Nhiều người đã “đau tim” khi xem điểm chuẩn cho con vào phút cuối.
Điểm chuẩn vào 115 trường công lập ở Hà Nội năm 2021 Hà Nội: Sẽ chỉ có 62% thí sinh đỗ các nguyện vọng trường THPT công lập Sĩ tử Hà Nội ngày thứ 2 vượt vũ môn trong mưa bão

“Đau tim” chờ điểm chuẩn

Dù cuộc đua vào lớp 10 trường THPT công lập đã diễn ra trước kỳ thi cả 1 năm nhưng giây phút “nghẹt thở”, “đau tim” nhất có lẽ là khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10.

Chị Nguyễn Thu Hòa ở quận Ba Đình kể: “Căng thẳng, hồi hộp từ rất lâu rồi nhưng điều “đau tim” nhất đó là khi chờ điểm chuẩn của các trường. Mấy ngày nay, nhất là ngày 28/6, tôi căng thẳng đến mức không làm được gì, chỉ lo lắng đợi điểm chuẩn. Con trượt thì sao? Nguyện vọng 2 chắc khó đỗ vì các trường trong nội thành đều có tỷ lệ đăng ký đầu vào cao… Dù tin tưởng vào sức học của con nhưng tôi vẫn rất lo lắng”.

Thí sinh điền thông tin trước khi bước vào làm bài thi
Thí sinh điền thông tin trước khi bước vào làm bài thi

Trên diễn đàn mạng xã hội Facebook, sáng nay nhiều mẹ đã chia sẻ về cảm giác “thót tim” khi con đỗ, con trượt…

Chị Đỗ Thảo Nguyên chia sẻ: “Cảm xúc khi nghe tiếng ting ting báo điểm của trường chuyên dù không kỳ vọng đỗ nhưng con cũng tò mò xem để biết kiến thức mình đang đứng ở chỗ nào. “Không trúng tuyển hệ chuyên. Trúng tuyển hệ không chuyên” - kết quả như dự đoán nhưng lại vượt qua sự mong đợi của mẹ. Không sao, mẹ con mình đã tiên liệu như vậy và chả phải buồn con yêu nhỉ.

Nhìn điểm con đạt được mẹ không tin và mắt mình, không biết có phải mẹ hoa mắt không. Ôi! mẹ dụi mắt đến những mấy lần mà lần nào mở mắt ra mẹ cũng thấy kết quả là một. Điểm của con chỉ thiếu một chút là đỗ vào lớp chuyên đã chọn nhưng cũng đủ để đỗ vào 2 lớp chuyên khác và hệ không chuyên của trường… Mẹ vui quá, như người ta khi biết “không trúng tuyển” tâm lý thường rất buồn. Với mẹ, đây là một niềm vui…”.

Nhiều cha mẹ chai sẻ cảm xúc sau khi biết điểm chuẩn các trường
Nhiều cha mẹ chai sẻ cảm xúc sau khi biết điểm chuẩn các trường

Chị Nguyễn Thị Thêu ở quận Long Biên cho hay: “Trải qua những giây phút sống trong không khí của chờ đợi, hồi hộp, lo lắng, hy vọng… mình chưa bao giờ cảm thấy thương con như thế. Mình không dám nói ra nhưng nhìn con đau đáu chờ điểm chuẩn khiến mình thắt gan ruột. Bảng điểm chuẩn đó không chỉ là thông báo con đỗ hay trượt mà nó là cả ước mơ, hoài bãi, khát vọng của con. Vì thế, mình càng áp lực.

Mình cũng đã trải qua nhiều cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố… nhưng đến hôm qua thực sự vẫn rất phấp phỏng, thấp thỏm chờ đợi kết quả thi của con. Dù khá tự tin vào khả năng của con nhưng mình vẫn hồi hộp và mong ước cho con thi đỗ để niềm vui được trọn vẹn…

Đúng 18h30, Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chuẩn, mình hồi hộp theo nhịp thở của con khi dò điểm và mình vỡ òa niềm vui cùng con khi biết đã đỗ vào trường mong muốn. Dù biết là vui nhưng mình vẫn không khỏi trào nước mắt. Quãng thời gian vừa qua không chỉ là kỳ thi với con mà còn là cuộc đua “nghẹt thở” của cha mẹ. Tuy không nói và thể hiện ra nhưng mình và nhiều cha mẹ khác đã không ngừng lo lắng, âm thầm theo con suốt cả năm lớp 9”.

Nháo nhào tìm phương án

Sau khi biết điểm chuẩn, nhiều cha mẹ vui mừng vì con đỗ nhưng cũng không ít người gạt nỗi buồn để tìm phương án khác khi con không đỗ vào trường công lập.

Có những học sinh dù đạt điểm tương đối cao nhưng vẫn trượt trường top đầu, nguyện vọng 2 cũng mong manh vì ở những trường trong khu vực nội thành, hầu hết số lượng đăng ký đều rất lớn. Điều đáng nói là điểm số của các em cũng không thấp…

Chị Nguyễn Lan Hương ở quận Ba Đình cho biết: “Sau khi biết điểm số, con buồn một, mình buồn mười. Dù thế, mình vẫn phải động viên con và tìm phương án khác cho con. Hôm nay, mình đã đi nhờ tư vấn vài chỗ để xem nên vào nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 hay vào trường dân lập nào đó. Với điểm số là 51,3 thì con vào nguyện 2 hay nguyện vọng 3 hoặc dân lập không khó khăn gì”.

Cũng có nhiều cha mẹ sau khi biết điểm số của con không đủ vào trường đã đăng ký, dù cộng thêm 1 điểm là vừa đủ vào nguyện vọng 2 nhưng cũng vẫn không đủ tự tin chờ đợi. Trong khi đó, nhiều trường dân lập đều nhận hồ sơ ngay sau khi công bố điểm chuẩn của các trường.

Chị Nguyễn Ái Linh ở quận Long Biên chia sẻ: “Con mình thi vào trường THPT Phúc Lợi nhưng thiếu mất nửa điểm. Nguyện vọng 2 của vào trường THPT Thạch Bàn, dù cộng thêm 1 điểm thì vẫn thừa điểm vào trường này tuy nhiên mình vẫn lo. Mình đang nấn ná muốn đợi các trường công bố trúng tuyển nguyện vọng 2 nhưng thời hạn nộp hồ sơ vào một số trường THPT dân lập lại là thời điểm này. Vì thế mình đang rất hoang mang, nếu đợi thì sẽ mất cơ hội vào trường dân lập, mà không đợi, lỡ con trúng nguyện vọng 2 thì sao?”.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù đỗ hay trượt thì cánh cửa tương lai của học sinh không chỉ là trường THTP công lập. Các em có rất nhiều cách để bước vào đời, thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Có người từ học nghề mà thành công, cũng có người đi vòng bằng cách học dân lập, cao đẳng nghề, sau đó liên thông lên đại học để thành công…

Thành công bằng cách nào thì tâm lý của cả học sinh và phụ huynh là quan trọng nhất. Hơn ai hết lúc này, cha mẹ nên có tâm lý cởi mở, định hướng cho con, giúp con tự tin, vững bước vào đời dù ở môi trường học tập nào.

Nguyên tắc xét tuyển lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội

Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1) được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1 điểm.

Học sinh không trúng tuyển NV1 và NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2 điểm.

Khi hạ điểm chuẩn, các trường THPT công lập được phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Ngoài phương thức “Xét tuyển” theo quy định nêu trên, các trường không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng một phương thức khác để tuyển sinh.

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động