Cụm điệp báo huyền thoại

Trong suốt 14 năm (1961-1975) hoạt động trong lòng địch, Cụm điệp báo H63 đã thu thập những tin tức tình báo quan trọng và tối mật cho cách mạng, góp vào chiến công chung của nhân dân cả nước trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tranh tài nhiều môn tại Army Games 2021 Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các tướng lĩnh nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và thăm Hội Cựu chiến binh Việt Nam Siêu tiêm kích F-35 của Mỹ hay Su-57 của Nga giành chiến thắng nếu đối đầu với nhau?

Đầu năm 1961, Cụm điệp báo mang mật danh A18 (tiền thân của Cụm điệp báo H63) ra đời, đóng tại căn cứ Bời Lời (Tây Ninh) để phục vụ điệp viên Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung). Thời kỳ đầu, H63 là bộ phận địch tình của Thành ủy Sài Gòn. Khi Phạm Xuân Ẩn (X6) từ Mỹ trở về, hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách là nhà báo và phóng viên của Tạp chí Time, hãng tin Reuters, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor..., ông Mười Nho (Nguyễn Nho Quý hoặc Nguyễn Xuân Mạnh, cán bộ Cục Tình báo) là người trực tiếp chỉ huy. Năm 1962, ông Mười Nho bị bệnh, không đủ sức khỏe để chỉ huy H63. Cả mạng lưới với một điệp viên đã nằm sâu trong lòng địch như Phạm Xuân Ẩn cần một chỉ huy tài giỏi và mưu trí. Tư Cang là người được ông Ba Trần, thủ trưởng Phòng Tình báo Miền lúc bấy giờ lựa chọn. Tháng 5-1962, Tư Cang chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm H63.

Cụm điệp báo H63 được tổ chức thành 3 bộ phận, một bộ phận là điệp viên ở luôn trong thành, một bộ phận giao thông liên lạc đi đi về về giữa thành phố và căn cứ và một khu vực đặt điện đài vô tuyến trong một căn hầm ở địa đạo Củ Chi. Quân số của toàn cụm có 45 người, trong quá trình hoạt động có 27 người hy sinh, 13 người bị thương, chủ yếu là giao liên và bảo vệ.

Cụm điệp báo huyền thoại
Các cán bộ Cụm tình báo H63. Từ trái sang: Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Nguyễn Văn Minh (Ảnh tư liệu)

Hoạt động của Cụm điệp báo H63 bắt đầu từ điệp viên Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Phạm Văn Thành (Hai Thành), bí danh X6, Trần Văn Trung, Hai Trung, người được tổ chức bố trí sang Mỹ học ngành báo chí năm 1957. Năm 1959, Phạm Xuân Ẩn về nước, làm việc cho các hãng thông tấn nước ngoài. Với kiến thức uyên bác, học sâu, biết rộng, cương trực và tài năng giao tiếp, ngoại giao khác biệt, độc đáo theo kiểu lãng tử, hào hoa, ngang tàng, xuất hiện với phong cách thượng lưu, thừa hưởng văn hóa được đào tạo bài bản từ Mỹ, Phạm Xuân Ẩn đã từng bước thâm nhập và trở thành bạn tri kỷ với các tướng lĩnh, trùm an ninh mật vụ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Sài Gòn, giới báo chí ngụy Sài Gòn và Mỹ, cũng như các chính khách chóp bu của chính quyền Sài Gòn để khai thác những thông tin tuyệt mật mang tầm chiến lược, phục vụ cho Trung ương Đảng ra những quyết sách chính xác, kịp thời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cụm điệp báo H63 được đánh giá là mạng lưới tình báo hiệu quả nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trở thành cụm điệp báo huyền thoại với điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. Cụm đã gửi về căn cứ hàng trăm tài liệu, bao gồm tài liệu gốc được sao chụp, các tin tức và thông tin phân tích nhận định về tình hình địch. Đó là những tài liệu về chiến lược "chiến tranh đặc biệt", các kế hoạch liên quan đến chiến lược "chiến tranh cục bộ", chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"; nhiều tin tức quân sự quan trọng phục vụ cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và phục vụ cho cấp trên hạ quyết tâm giải phóng miền Nam... Trong tổng số 498 tài liệu và báo cáo do Phạm Xuân Ẩn chuyển ra căn cứ có nhiều tài liệu tối mật, tuyệt mật của Mỹ-ngụy, trong đó có nguyên bản Kế hoạch Staley-Taylor, nhằm "bình định Việt Nam trong 18 tháng", với 3 giải pháp chiến lược: 1) Tăng cường sức mạnh quân đội Sài Gòn do cố vấn Mỹ chỉ huy, sử dụng "trực thăng vận", "thiết giáp vận" để nhanh chóng tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng; 2) Xây dựng bộ máy chính quyền Sài Gòn mạnh, giữ vững thành thị, dập tắt phong trào cách mạng ở nông thôn bằng "bình định" và lập "ấp chiến lược"; 3) Ngăn chặn biên giới, kiểm soát vùng ven biển, cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc, cô lập cách mạng miền Nam. Nhờ tài trí thông minh và sự khéo léo trong quan hệ, Phạm Xuân Ẩn đã lấy được kế hoạch này, sao chép và chuyển ra căn cứ trước khi kế hoạch này được triển khai thực hiện ở miền Nam.

Nhiều tài liệu do Cụm điệp báo H63 thu thập được đã nhanh chóng được chuyển ra biên giới sang Phnom Penh (Campuchia), sau đó được chuyển thẳng ra Hà Nội. Do đó, nhiều kế hoạch, hoạt động quân sự của địch, phía ta đều biết trước. Với những chiến công trên, Cụm điệp báo H63 đã được Nhà nước phong tặng hai lần là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Nhiều cá nhân thuộc Cụm điệp báo H63 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân như: Tư Cang, Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba...

Theo Sự kiện và Nhân chứng/Báo QĐND
sknc.qdnd.vn
Phiên bản di động