Siêu tiêm kích F-35 của Mỹ hay Su-57 của Nga giành chiến thắng nếu đối đầu với nhau?

F-35 và Su-57 lần lượt là các siêu tiêm kích hàng đầu của các cường quốc quân sự Mỹ và Nga. Mỗi loại phi cơ đều có những thế mạnh và nhược điểm riêng.
Chiến đấu cơ F-35 đối mặt với nguy cơ bị “thất sủng” Nhìn lại hành trình đặc biệt của siêu máy bay Su-57

Khi căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và phương Đông, các quốc gia đang nâng cấp quân đội của mình phòng khi “chiến tranh lạnh” nóng trở lại. Các siêu máy bay tiêm kích của Mỹ và Nga không nằm ngoài xu hướng này. Nhưng máy bay phe nào sẽ thống trị bầu trời?

Tiêm kích cơ F-35 (bên trái) và Su-57. Ảnh: AFP, AP.
Tiêm kích cơ F-35 (bên trái) và Su-57 (Ảnh: AFP, AP)

Trong gần 3 thập kỷ, Mỹ đã giữ thế độc quyền về phi cơ chiến đấu tàng hình. Nước này trình làng công nghệ tàng hình bằng máy bay F-117A Nighthawk vào đầu thập niên 1980 và đây là quốc gia đầu tiên bước vào kỷ nguyên chiến đấu cơ thế hệ 5 vào năm 1997, khi chiếc F-22A Raptor cất cánh.

Khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, Mỹ phối hợp lực lượng với các đồng minh chính của mình để phát triển một họ các tiêm kích cơ tàng hình đa nhiệm thế hệ 5. Trong số này nổi lên chiếc F-35 Lightning II. Được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, F-35 khai thác các công nghệ tiên tiến để đem tới một loạt năng lực thế hệ 5.

Tuy nhiên, F-35 không phải là chiến đấu cơ tối tân duy nhất được giới thiệu vào đầu thiên niên kỷ thứ 3. Trong khoảng những năm 2000, Mỹ và các đồng minh phương Tây dõi sang phía đông, khi cường quốc quân sự Nga tiến sát đến việc cho ra đời tiêm kích cơ tàng hình thế hệ 5.

Vào đầu năm 2010, Mỹ chính thức đánh mất thế độc quyền khi chiếc Sukhoi T-50-1 của Nga (nguyên mẫu đầu tiên cho dòng máy bay Su-57) vút lên bầu trời lần đầu tiên, vào ngày 29/1/2010.

Trong thập kỷ qua, các nhà sản xuất và các bên vận hành đã tiếp tục phát triển và hoàn thiện năng lực của máy bay F-35 và Su-57. Các chiến đấu cơ này được định hướng làm phương tiện răn đe trong các khu vực điểm nóng chính trên toàn cầu.

Khi các nước thành viên khối quân sự NATO chuyển đổi máy bay chiến đấu cũ hơn của họ sang F-35, Nga bắt đầu lặng lẽ đưa lô hàng Su-57 đầu tiên của mình vào hoạt động.

Vậy loại máy bay nào có lợi thế hơn, chúng ta sẽ cùng phân tích cụ thể dưới đây:

Năng lực

Su-57 chủ yếu là một tiêm kích cơ giúp chiếm ưu thế trên không, còn nhiệm vụ quan trọng thứ 2 là tiến hành cường kích, khá tương tự chiếc F-22. Không giống với Su-57, dòng F-35 được thiết kế nhằm làm máy bay tàng hình thế hệ 5 thuần túy có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ trong không gian tác chiến nhiều mảng.

Lightning II có khả năng thực hiện ưu thế trên không, hỗ trợ cận chiến trên không, tác chiến điện tử, tình báo, theo dõi, và trinh sát, tấn công chiến lược, và trấn áp phòng không đối phương.

Hiện nay Nga chỉ có một biến thể sản xuất đại trà của Su-57, mặc dù họ tuyên bố có thể phát triển một số biến thể từ bản gốc. Nga lần đầu thúc đẩy một phiên bản thứ 2, Su-57E, vào tháng 3/2019, có thể dùng cho xuất khẩu.

Tác dụng

F-35 khác biệt lớn ở đây, có 3 phiên bản khác nhau đáng kể của loại máy bay này đều đáp ứng một loạt đòi hỏi trong không gian tác chiến đa mảng. Các biến thể bao gồm F-35A, cho cất và hạ cánh thông thường; F-35B cho cất và hạ cánh thẳng đứng trong thời gian ngắn; và F-35C, là biến thể cho tàu sân bay thông thường.

Phiên bản Su-57 của hãng Sukhoi có cùng mức độ được sử dụng như F-35A, với điều kiện là cả hai nền tảng này cất cánh từ đường băng trên đất đã được chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, điều mang lợi thế cho Lightning II là khả năng của nó trong việc cất cánh từ tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ lưỡng cư, thông qua các biến thể F-35B và F-35C. Các biến thể này cho phép các lực lượng quân sự phóng chiếu sức mạnh không quân trên biển từ một căn cứ di động, có thể triển khai tới bất cứ góc biển nào trên toàn cầu.

Thiết kế và tốc độ

Khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa F-35 và Su-57 là trong thiết kế tổng thể. Hình dáng khí động học của chiếc Su-57 được tối ưu hóa mạnh mẽ để đạt được tỷ lệ nâng trên cản ở mức cao trong khi bay ở tốc độ siêu thanh, giúp nó nhanh hơn F-35. Su-57 sở hữu 2 động cơ turbofan hậu nhiên khí so với chỉ một của F-35. Động cơ của Su-57 cũng được tối ưu hóa để cho phép phi cơ bay ở tốc độ siêu âm mà không cần tăng tốc động cơ vượt giới hạn.

Chiếc máy bay của Nga còn có vector đẩy tốt giúp nó sở hữu phẩm chất siêu cơ động trong hành trình bay.

Tàng hình

Trên phương diện này, có sự tranh cãi về mức độ tàng hình của Su-57. Trong khi đó F-35 được thừa hưởng lịch sử phát triển công nghệ tàng hình dài lâu của Lockheed Martin nhưng vẫn có những vấn đề nhất định. Các biến thể F-35B và C có nguy cơ bị tổn hại cấu trúc và đánh mất ưu điểm tàng hình nếu chúng bay ở tốc độ siêu thanh trong thời gian dài.

Công nghệ tương lai

Một trong các đặc điểm quan trọng nhất của F-35 là máy bay này sử dụng hệ thống liên lạc điện tử hàng không tiên tiến và các công nghệ tổng hợp cảm biến, cùng với năng lực kết nối và trao đổi thông tin với các hệ thống không quân, lục quân, và hải quân. Nhưng Su-57 cũng được thiết kế với năng lực tương tự.

Như F-35, máy bay tiêm kích Nga có khả năng kết nối và trao đổi dữ liệu với các phương tiện khác trong không gian tác chiến. Hai loại máy bay đều có cấu trúc thiết kế mở cho phép chúng tích hợp các công nghệ mới nhằm phù hợp với các thách thức mới nảy sinh.

Vũ khí

Về khía cạnh này, cả hai loại máy bay đang so sánh đều được trang bị một loạt đạn dược, bao gồm các loại tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa diệt hạm, và bom, mặc dù F-35 có một dải lựa chọn vũ khí rộng hơn.

Để duy trì đặc tính tàng hình, cả hai chiến đấu cơ đều có khoang vũ khí bên trong. Chúng đều có mấu cứng bên ngoài để gắn bom đạn và thùng nhiên liệu, tất nhiên khi ấy sẽ bị giảm độ tàng hình. Su-57 có 12 mấu cứng so với 10 của F-35.

Những nước nào sử dụng các máy bay này?

Cả hai nền tảng này đều được phát triển từ đầu nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, F-35 vượt xa Su-57 về mặt này. F-35 là sản phẩm của một chương trình phát triển đa quốc gia. Trong khi đó, Su-57 được phát triển nội địa, dù cho Nga đã nỗ lực hợp tác phát triển một biến thể của loại này với phía Ấn Độ.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang để mắt đến Su-57 sau khi nước này bị gạt khỏi chương trình F-35 vào năm 2019. Tuy nhiên có tới 12 quốc gia đã chính thức đặt mua F-35 để thay thế đội máy bay cũ kỹ của mình. Bản thân Mỹ đang phấn đấu có được tổng cộng 2.443 máy bay F-35 để trang bị cho hải lục không quân của nước này.

Nhìn tổng thể, số lượng F-35 được đưa vào hoạt động là trên 3.000. Trong khi đó, Su-57 gần như không thể vươn tới tầm này trong hoạt động xuất khẩu.

Kết luận

Cả F-35 và Su-57 đều có ưu và nhược riêng và có thế mạnh nổi trội trong một số lĩnh vực.

Su-57 vẫn được định hướng chính cho cận chiến trên không, còn F-35 được phát triển để đáp ứng một số vai trò. F-35 có lợi thế so với Su-57 trong khía cạnh tàng hình và cũng có phổ vũ khí rộng hơn. Nhưng nhờ tốc độ cao và mức độ siêu cơ động, máy bay của Nga lại vượt trội F-35 khi không chiến.

Chiến đấu cơ F-35 đối mặt với nguy cơ bị “thất sủng” Chiến đấu cơ F-35 đối mặt với nguy cơ bị “thất sủng”
Nhìn lại hành trình đặc biệt của siêu máy bay Su-57 Nhìn lại hành trình đặc biệt của siêu máy bay Su-57
Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động