Công nhân không được đi làm trở lại, phải tự bươn chải kiếm sống
Công ty PouYuen dự kiến cắt giảm gần 6.000 công nhân Mở đợt cao điểm xử lý các xe khách, xe buýt chở công nhân tại các KCN ở Bắc Giang |
Đợi tiền trợ cấp của công ty
Đã hơn 10 ngày kể từ khi bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Cty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TPHCM), chị Nguyễn Thị Thu Sương (44 tuổi) - công nhân (CN) may khu D - vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng.
Tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM, vừa ngồi nhặt chỉ còn sót lại trên những chiếc áo, vừa trông con nhỏ, chị Sương kể, chị đã làm việc cho Cty PouYuen được 18 năm, với tiền lương trước khi phải chấm dứt HĐLĐ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trước đây, hàng ngày, chị đi làm bằng xe đưa đón của Cty nên không phải lo phương tiện đi làm việc.
Ngày 20/6 vừa qua, Cty PouYuen chấm dứt HĐLĐ với gần 2.800 CN, trong đó có chị. Nhưng trước đó 2 tháng, chị đã phải tạm ngừng việc hưởng lương tối thiểu vùng 4,42 triệu đồng/tháng. Kể từ ngày nghỉ việc, chị được người em nhận cho công việc nhặt chỉ còn sót trên những chiếc áo của Cty nơi em chị làm. Song tiền công chỉ vài trăm đồng/chiếc nên ngày nhiều hàng nhất, chị cũng chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng.
Còn chồng chị làm thợ xây, tiền công tính theo ngày, công việc cũng bấp bênh, nhất là vào lúc mưa gió thì ít việc. Trong khi đó, chị còn nuôi hai con nhỏ (1 cháu 10 tuổi và 1 cháu 3 tuổi).
“Bây giờ tôi lớn tuổi, đi xin việc ở đâu cũng khó. Gửi con vào nhà trẻ mất 3 triệu đồng/tháng, trong khi giờ xin đi làm chỉ được 4,5 triệu đồng/tháng, thôi thì tạm thời, tôi ở nhà trông con rồi tính sau. Đợi khi nhận được tiền trợ cấp của Cty (sau khi trừ thuế thu nhập còn khoảng trên 170 triệu đồng), tôi mua chiếc xe máy rồi tính tiếp. Tôi dự định sẽ đi đăng ký thất nghiệp, nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và nhận hết tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần rồi sẽ đi xin việc sau” - chị Sương chia sẻ.
Tương tự, chị Trần Thị Thủy (32 tuổi, quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - cùng làm CN may ở khu D, Cty PouYuen - cho hay, sẽ chờ nhận được khoản tiền trợ cấp của Cty khoảng hơn 38 triệu đồng cho 6 năm làm việc ở đây, rồi sẽ tính tiếp.
“Trước kia đi làm, lương còn được gần 7 triệu đồng/tháng, chắt chiu cũng đủ nuôi hai con nhỏ. Giờ nếu đi đăng ký thất nghiệp và hưởng TCTN, tôi được khoảng 4 triệu đồng/tháng thì ba mẹ con rất khó sống. Mà giờ đi xin việc ở đâu chắc cũng khó và còn phải chờ Cty chốt, trả sổ BHXH thì mới đi xin việc được” - chị Thủy tâm sự.
Đường cùng cũng phải về quê
Chị Trương Thị Hoàng Quy (33 tuổi, quê ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) - nguyên là nhân viên thống kê xưởng NB1, Cty Nobland - nói rằng, chị đã làm việc cho Cty được 13 năm. Cuối tháng 6 vừa qua, chị phải chấm dứt HĐLĐ vì Cty không có đơn hàng, phải đóng của toàn bộ xưởng. Với 13 năm làm việc, chị được Cty hỗ trợ 2 tháng lương (8,9 triệu đồng/tháng) nên có chút tiền để dành đi xin việc.
“Mấy hôm nay, tôi đi xin việc 4-5 chỗ nhưng khó quá. Chỗ đòi hỏi tay nghề may phải cao mà tôi chỉ biết sơ sơ nên không đáp ứng được. Chỗ đòi phải đóng BHXH mà tôi lại đang muốn nhận TCTN nên cũng không thể đi làm. Tôi xin vào mấy chỗ bán hàng nhưng bây giờ người thất nghiệp do dịch bệnh nhiều quá, nên không ai nhận. Khoảng một tháng nữa không xin được việc, tiền hỗ trợ của Cty cũng hết thì chắc tôi lại phải về quê buôn bán loanh quanh kiếm sống qua ngày” - chị Quy rầu rĩ nói.
Chưa bị Cty chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải nghỉ việc 3 tháng với mỗi tháng được hỗ trợ 4 triệu đồng, chị Trần Thị Tuyết (40 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định) - nhân viên Cty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) - phải tự bươn chải kiếm sống. Hàng ngày, chị làm các loại bánh cuốn, bánh giò, sữa chua nếp cẩm, nước mát… rồi rao bán trên mạng. Nhờ làm ngon, lại trực tiếp đi giao hàng, giá thành rẻ, nên mỗi tháng chị cũng kiếm được 7-8 triệu đồng, đủ tiền sinh sống.
Chị Tuyết, tâm sự: “Trước đây đi làm, mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng, tôi đủ sống và có chắt chiu để dành được chút ít. Giờ chưa biết khi nào Cty thông báo đi làm lại vì ngành hàng không bây giờ cũng đang rất khó khăn, nên phải tự bươn chải, kiếm sống đã. Nếu không được đi làm trở lại, tôi chắc cũng phải quay về quê”.