Công nhân đón Tết xa nhà với tâm tư nặng trĩu
Siêu thị tăng giờ bán hàng, mở cửa xuyên Tết PGS.TS Trần Đắc Phu: Người dân hạn chế đi lại trong dịp Tết nếu không cần thiết Các chợ đào Tết tại Hà Nội, giá hạ nhưng mới chỉ nhộn nhịp người bán |
Tết tha hương
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), chị Ngô Thị Tuyền quê ở (Quảng Yên, Quảng Ninh) đang cùng hai cô con gái nhỏ chuẩn bị một cái tết xa quê trong căn nhà cấp 4.
Chị Ngô Thị Tuyền tâm sự: "Quê nhà đang có dịch Covid-19, tôi không thể cho các cháu về. Dịch bệnh bùng phát nhanh quá, bố các cháu ở quê cũng không kịp lên. Nhìn chúng cứ giục về với ông bà mà lòng tôi nhoi nhói...".
Làm công nhân hơn 10 năm qua, năm nào chị cũng thu xếp công việc về quê ăn Tết với gia đình. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng là năm đầu tiên chị Ngô Thị Tuyền ăn Tết xa nhà cả trăm km.
Chị Tuyền cùng 2 con nhỏ sẽ ở lại Hà Nội ăn Tết |
Tuy ăn Tết xa nhà, nhưng Tết này chị vẫn cố gắng sắm sửa mâm mũ quả, cành đào, bánh mứt để các con không cảm thấy buồn.
"Sắp về quê chưa? Tết về quê không? Đó là những câu hỏi quen thuộc mà tôi nhận được từ anh em bạn bè mỗi ngày. Rồi những lời động viên khi biết tôi sẽ không về. Nhưng tôi nghĩ, trước hết là vì sức khỏe bản thân, vì gia đình và cộng đồng nên tôi quyết tâm ở lại, không đón Tết này thì mình đón Tết sau" - chị Ngô Thị Tuyền nói.
Tết Nguyên đán càng đến gần, những người xa quê bắt đầu chộn rộn chuẩn bị về nhà đón Tết, những người ở lại nhà trọ như Ngô Thị Tuyền càng cảm thấy buồn hơn.
Để các con không cảm thấy buồn, chị chuẩn bị Tết thật tươm tất |
Theo kế hoạch, ngày 28 âm lịch chị cùng các con sẽ về, nhưng dịch bệnh Covid-19 đến quá bất ngờ khiến 3 mẹ con đành chấp nhận ở lại Hà Nội. Những lúc đi làm về, chị Ngô Thị Tuyền lấy điện thoại gọi cho chồng, cho bố mẹ để các con không cảm thấy xa cách quê hương, xa gia đình nơi đất khách.
Đứa con lớn tên là Đỗ Khánh Ngọc vừa tròn 10 tuổi, đứa nhỏ tên Đỗ Tuệ Linh, ra Tết vào là được 6 tuổi, trong đôi mắt của các cháu ánh lên vẻ đượm buồn khi mà cả năm háo hức được gặp bố, gặp ông bà nay chỉ còn lại những câu chúc qua điện thoại vì dịch bệnh.
Con gái lớn của chị Tuyền, cháu Đỗ Khánh Ngọc mong muốn được trở về quê với bố và ông bà |
Tết này... con không về
Vừa trở về sau ca làm đêm, anh Nguyễn Đình Bắc (quê ở Đô Lương, Nghệ An) vào bếp chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Anh cùng vợ là chị Phan Thị Thu Hiền đồng hương lại cùng cảnh công nhân tại KCN Bắc Thăng Long lên vợ lên chồng chưa đầy 5 tháng.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khó khăn, lại càng khó khăn hơn nữa khi năm vừa qua, công ty của anh chị do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không đủ việc làm. Số tiền dành dụm được sau 2 năm làm công nhân đã được dùng để tổ chức đám cưới.
Vợ chồng anh Bắc chị Hiền chuẩn bị cho một cái Tết xa quê |
"Năm nay, vợ chồng tôi quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết, để tiết kiệm chi phí và làm thêm một vài công việc kiếm thêm thu nhập, đồng thời phòng tránh dịch bệnh" - anh Nguyễn Đình Bắc cho biết.
Số tiền dùng để mua vé xe, hai vợ chồng anh chị đã gửi về biếu ông bà nội ngoại sắm Tết. Mặc dù đã sẵn sàng tâm lý ăn Tết xa nhà, nhưng anh vẫn không giấu nổi cảm xúc buồn khi những người bạn làm chung công ty và ở cùng dãy trọ đang tất bật chuẩn bị hành lý để chờ ngày lên xe về quê sum vầy cùng gia đình.
Cuộc nói chuyện thi thoảng bị đứt quãng bởi tiếng sụt sịt của chàng trai đã 28 tuổi này.
Chị Phan Thị Thu Hiền trở về nhà trọ với cành đào, nải chuối, bày biện đẹp đẽ. Chị tâm sự: "Em nhớ nhà lắm nhưng thôi cũng vì hoàn cảnh với dịch bệnh nên hai vợ chồng động viên nhau cố gắng, ra Tết rồi sắp xếp thời gian, kinh tế ổn định hơn rồi về với ông bà nội ngoại".
Tuy đã chuẩn bị tinh thần nhưng đôi mắt anh Bắc vẫn ánh lên vẻ đượm buồn |
Trong không gian chật chội của căn nhà trọ rộng chừng 15m vuông, được anh chị thuê với giá 1,5 triệu đồng. Không khí Tết vẫn đến và đem theo niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ với quyết định ăn Tết xa nhà. Họ nhìn nhau trìu mến như muốn tự hứa với lòng mình, sẽ cố gắng hơn nữa để Tết năm sau sum họp bên gia đình.
Không chỉ có vợ chồng anh Bắc, chị Hiền và ba mẹ con chị Tuyền mà thật khó thống kê được có bao nhiêu công nhân quyết định ăn Tết xa quê. Họ ở lại đón Tết tha hương vì lương, thưởng cuối năm thấp mà vé tàu, vé xe tăng cao. Có người ở lại để tranh thủ kiếm thêm tiền gửi về cho gia đình có một cái Tết được đầm ấm hơn, cũng có người vì dịch bệnh "chặn đường" mà khất Tết sang năm sẽ về.
Anh Bắc dọn dẹp lại phòng trọ để đón Tết |
Trong căn phòng trọ nhỏ, đôi vợ chồng trẻ tự nhủ với nhau năm mới phải cố gắng nhiều hơn nữa |
Đây là cái tết đầu tiên xa nhà của ba mẹ con chị Tuyền |
Cuộc sống của chị tuyền và con sẽ rất khó khăn về tinh thần khi ăn Tết tha hương |
Những cuộc điện thoại từ người thân giúp chị Tuyền và các con vơi đi nỗi nhớ nhà |
Dịp Tết, chị có nhiều thời gian dành cho các con hơn |