PGS.TS Trần Đắc Phu: Người dân hạn chế đi lại trong dịp Tết nếu không cần thiết
Cảnh giác lừa đảo ngân hàng dịp Tết Người dân bắt đầu đi mua pháo hoa về đốt dịp Tết |
Tết là ngày trở về với quê hương, sum vầy với gia đình, song với diễn biến của dịch bệnh COVID- 19, chúng ta chưa thể đón Tết Nguyên đán như mọi năm mà sẽ phải đón Tết trong trạng thái bình thường mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chủng mới virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh mạnh hơn hẳn so với các đợt dịch trước, tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” đã được triển khai ra sao? Mỗi người dân cần làm gì để đóng góp vào cuộc chiến chung này, hướng tới một mùa xuân mới vui tươi và đầm ấm của cả đất nước? Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế về nội dung này.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế. |
PV: Thưa ông, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 chiều 4/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, việc các địa phương quyết liệt phòng chống dịch bệnh không chỉ là để người dân được đón Tết an lành, mà còn là biện pháp giúp cho bà con nông dân, những người buôn bán nhỏ có cơ hội sản xuất kinh doanh, đảm bảo cuộc sống. Và “Nếu mất thêm Tết này thì bà con còn khó khăn đến nhường nào!”. Là người theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh những ngày qua, ông đánh giá ra sao về tinh thần phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là các tỉnh, thành Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch lần này phát hiện đầu tiên ở sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và một nhà máy ở tại TP Chí Linh (Hải Dương), sau đó dịch lan ra một số tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM, Gia Lai... nhưng đây là chủng mới và giống như chủng virus của Anh nên lây lan rất nhanh. Trong một thời gian ngắn, nước ta đã có hàng trăm ca mắc nhưng cũng có điểm may là đợt dịch này chưa xâm nhập vào các bệnh viện như đợt dịch ở Đà Nẵng và tất cả các điểm ổ dịch tại các tỉnh đều liên quan đến Hải Dương và sân bay Vân Đồn.
Sau khi phát hiện ra dịch, tất cả các địa phương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, các bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt tập trung nhanh nhất khống chế dịch bởi thời gian đã gần Tết. Chưa có bao giờ chúng ta tổ chức xét nghiệm nhiều như hiện nay, công tác truy vết được tăng cường, đặc biệt ở Hải Dương, Bộ Y tế đã chi viện một lực lượng lớn cho địa phương. Đối với Quảng Ninh, năng lực của họ rất tốt nên cũng chưa cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Đến thời điểm này, dịch đã được kiểm soát, khi mà số ca đã giảm nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa phát hiện được ổ dịch nào không liên quan đến Hải Dương, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Nếu xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau, không biết lây đường nào thì rất khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói chúng ta cố gắng kiểm soát trong vòng 10 ngày. Ở đây chúng ta không chế được, tạo điều kiện cho bà con ở một số nơi không phải là vùng dịch, người dân vẫn có thể ăn Tết trong một điều kiện bình thường mới.
PV: Có thể thấy các địa phương đang chạy đua với thời gian để thần tốc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm. Với vụ dịch tại Đà Nẵng, chúng ta đã bị chậm khoảng 10 ngày so với chu kỳ lây nhiễm của dịch bệnh, với đợt này, chúng ta bị chậm 3 ngày. Đến thời điểm này, chúng ta đã “bắt kịp” tốc độ lây lan của chủng mới SARS-CoV-2 chưa, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Rõ ràng dịch để xảy ra ở nhà máy ở Hải Dương hoặc ở sân bay Vân Đồn cho thấy việc phòng bệnh chưa được chặt chẽ. Khi có số bệnh nhân cao, ca COVID-19 nhập cảnh sang Nhật, chúng ta mới phát hiện được. Khi phát hiện ca bệnh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt trên tất cả các mặt trận, từ xét nghiệm, phòng bệnh, điều trị, cách ly. Việc truy vết lần này cũng rất quyết liệt để dập dịch. Chúng tôi cũng mong muốn, tất cả những người đã từ ổ dịch trước kia mà chưa được kiểm soát thì nên đi khai báo y tế để công tác truy vết được tiếp tục tốt hơn.
PV: Trong những ngày cận Tết này, điều mà bất cứ người dân ai ai cũng mong mỏi là dịch bệnh sớm được kiểm soát. Song với thực tế hiện nay, người dân nên đón Tết trong trạng thái bình thường mới như thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đáng lẽ tất cả người dân chúng ta phải thực hiện từ trước đợt dịch này, bởi trong giai đoạn trước đã là giai đoạn bình thường mới. Dịch ở các nước nguy cơ rất cao xâm nhập vào Việt Nam, trong đó dịch ở Hải Dương và Vân Đồn chứng tỏ dịch xâm nhập. Bên cạnh đó, nguy cơ trong nước đi lại nhiều, tôi cho rằng đâu đó cũng có tư tưởng chủ quan nên trong dịp Tết này, nhu cầu đi lại nhiều, giao lưu nhiều, mặc dù chúng ta hạn chế nhưng vẫn nhiều hơn những ngày thường nên chúng ta phải chấp hành triệt để những quy định hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các ngành chức năng.
Mỗi địa phương nên có những quy định cụ thể cho người dân, vì tình hình dịch của các địa phương cũng khác nhau, đặc biệt là các thành phố như Hà Nội, TPHCM những nơi đông người, chúng ta phải có hướng dẫn cụ thể. Đối với người dân, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo phải thực hiện 5K, hạn chế đi lại trong dịp Tết nếu không cần thiết. Trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp như này, người dân hãy đơn giản nhất những cái có thể để chúng ta phòng bệnh cho bản thân, cộng đồng.
PV: Trăn trở và lo lắng nhất có lẽ vẫn là những nông dân, những người buôn bán, kinh doanh nhỏ ở các vùng có dịch cả năm trông vào tiêu thụ nông sản, hàng hóa dịp Tết. Theo ông, với những người đang bị tác động mạnh tới đời sống do dịch bệnh, chính quyền và cộng đồng cần có hình thức hỗ trợ ra sao để bất kỳ người dân nào cũng không bị bỏ lại phía sau?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong cách chống dịch đợt này, Ban Chỉ đạo cũng như Bộ Y tế cũng có hướng dẫn phòng chống dịch mà không để ảnh hưởng quá lớn đến đời sống kinh tế và an sinh xã hội của người dân, nên có hình thức phong tỏa trong phong tỏa, phong tỏa trên khu vực nhỏ nhưng chấp nhận xét nghiệm nhiều và đảm bảo công tác phòng bệnh lên hàng đầu nhưng không để ảnh hưởng không đáng có tới cuộc sống người dân, tới an sinh xã hội. Còn lại những người vẫn đang nằm trong vùng bị phong tỏa, chính quyền các cấp phải nên có hình thức quan tâm đến đời sống của người dân trong vùng dịch để họ được ăn Tết trong tâm lý ổn định.
PV: Sau vụ sân bay Vân Đồn, đến nay, chúng ta đã có nâng mức cảnh báo phòng chống dịch như nào tại các địa điểm này?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong tình hình dịch như hiện nay, việc cấm một cái gì đó là điều hết sức đắn đo của Chính phủ, Bộ Y tế. Dịch vẫn còn kéo dài và làm sao chúng ta vẫn thực hiện được làm ăn kinh tế, thực hiện được người dân có thể giao lưu, đi lại nhưng phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tốt. Ví dụ hiện nay trên máy bay phải nghiêm ngặt những việc phòng bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách...
Nếu có trường hợp xảy ra phải truy vết rất nhanh và phải chấp nhận có thể dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác nhưng chúng ta phải kiểm soát được còn hơn là cấm tất cả các chuyến bay thì thiệt hại vô cùng lớn tới kinh tế cũng như đời sống của người dân, đặc biệt là việc cô lập giữa vùng nọ với vùng kia.
PV: Nhiều địa phương đã đưa ra yêu cầu cách ly người từ vùng dịch về ăn Tết. Quy định này của các địa phương có phù hợp với diễn biến dịch bệnh hiện nay không, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Bộ Y tế cũng đã đưa ra quy định những trường hợp F0 phải cách ly, điều trị tại các cơ sở điều trị, F1 là những trường hợp tiếp xúc gần với F0 phải cách ly tập trung, F2 phải cách ly tại nhà, F3 phải theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của y tế. Việc vùng cách ly, phong tỏa không được đi đâu.
Các địa phương nên áp dụng theo những quy định đó để tiến hành kiểm soát. Toàn dân đều thực hiện phương pháp phòng bệnh, tiến hành khai báo y tế để nếu có dịch cơ quan y tế truy vết nhanh hơn. Hiện nay, các địa phương còn băn khoăn thế nào là vùng dịch, thế nào là ổ dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết sẽ có quy định cụ thể hơn để các địa phương nắm được.
PV: Qua 3 đợt dịch bùng phát, hàng vạn nhân viên y tế đã trở thành chiến sỹ tuyến đầu trong mặt trận phòng chống dịch. Rất nhiều bác sỹ cho biết, họ tình nguyện vào vùng dịch đến hết Tết khi dịch bệnh tạm ổn thì họ mới trở về. Đây là năm thứ hai nhiều thầy thuốc không có Tết vì COVID-19, nên việc người dân vẫn được ăn Tết bên gia đình trong trạng thái bình thường mới theo ông có phải là đang đóng góp thêm vào công cuộc phòng chống dịch bệnh của đất nước?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Thủ tướng đã nói chống dịch như chống giặc, vì vậy lúc này các nhân viên y tế dự phòng, điều trị, kể cả những người mà ở dưới cơ sở đều là chiến sỹ chống giặc. Với chúng tôi làm công tác y tế dự phòng cũng đã nhiều lần không có Tết, đây là nhiệm vụ. Vì vậy, cũng rất hoan nghênh tinh thần của những chiến sỹ áo trắng nhưng người dân cũng cần có trách nhiệm làm thế nào để ăn Tết an toàn, cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K của Bộ Y tế.
PV: Xin cảm ơn ông.