Công bố 6 dịch vụ công trực tuyến mới, giúp tiết kiệm 1.686 tỷ đồng/năm
6 tháng, số dịch vụ công trực tuyến tăng 90 lần
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Sau 6 tháng đưa vào vận hành, số dịch vụ công đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương, gấp 4,5 lần so với quý 1/2020. Nếu chỉ tính riêng 6 dịch vụ công mới được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ 1/7/2020 đã có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.
"Các dịch vụ công khác được công bố hôm nay cũng hướng tới việc phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của hàng triệu người dân, doanh nghiệp như: Phục vụ việc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình của khoảng hơn 17 triệu đối tượng; phục vụ hơn 614.000 đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và có khoảng hơn 38 triệu đối tượng tiềm năng là các lao động chưa tham gia phương thức đóng bảo hiểm xã hội nào,…”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
6 dịch vụ mới được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong quý 2 bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình; Cấp mới giấy phép lái xe; Đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; Mở rộng phạm vi thực hiện với nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo |
Trong đó, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục. Bản sao chứng thực điện tử được ký số bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng nhiều lần. Hơn nữa, có thể giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn (dịch vụ công cấp độ 4) với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.
Trình diễn chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia |
Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện trên 102 triệu bản. Chỉ cần sử dụng lại 30% kết quả chứng thực đã tiết kiệm được 428,4 tỷ đồng/năm.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: với việc tích hợp trên Cổng Dịch vụ Công trực tuyến, từ 1/7, người dân có thể ngồi nhà đăng ký và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu cả 614.650 người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cùng đóng trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm được 209,5 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc đóng tiền bảo hiểm xã hội trực tuyến, người dân có thể ngồi ở nhà gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình trực tuyến. Chỉ cần 50% trong số 17 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình gia hạn trực tuyến đã giúp tiết kiệm được 724,6 tỷ đồng/ năm.
Đổi giấy phép lái xe đã có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn |
Dịch vụ đổi giấy phép lái xe được nâng từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công An. Theo tính toán, nếu đưa dịch vụ này sử dụng ở cấp độ 4 sẽ phục vụ khoảng hơn 945.000 lượt người/năm, giúp tiết kiệm hơn 323,9 tỷ đồng/năm.
Cũng từ 1/7, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến sẽ mở rộng phạm vi thực hiện. Cụ thể: Mở rộng thực hiện trên toàn quốc từ 1/7/2020 việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông; của các đơn vị thuộc cấp phòng trở lên của Cảnh sát giao thông.
6 tháng, hơn 46,3 triệu lượt truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia
Tính đến 28/6/2020, Cổng Dịch vụ Công quốc gia đã tích hợp với 18 Bộ, ngành; 63/63 địa phương, 12/12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán.
Trong 3 tháng trở lại đây, số lượng người dân, doanh nghiệp đăng ký tài khoản thực hiện câc dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia tăng gấp 2 lần. Trung bình mỗi tháng có 32.000 tài khoản đăng ký tham gia và 7,7 triệu lượt truy cập. Tính đến 28/6/2020 đã có 179,600 tài khoản đăng ký, hơn 46,3 triệu lượt truy cập, 10,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát; hơn 151 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG (trung bình mỗi tháng 46 nghìn hồ sơ), tiếp nhận, xử lý hơn 6,6 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 14,8 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài.
Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 06 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đã có hơn 2,1 nghìn lượt giao dịch thành công. Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 725 dịch vụ (339 cho người dân, 388 cho doanh nghiệp), trung bình mỗi quý tích hợp, cung cấp hơn 350 dịch vụ công trực tuyến.