Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Du lịch cộng đồng đang trở thành ngọn gió tươi mới thổi sức sống vào bức tranh kinh tế chung của các tỉnh Tây Bắc, góp phần lực thúc đẩy sự phát triển.
Lễ hội hoa hồng lớn nhất Tây Bắc sắp diễn ra tại Sun World Fansipan Legend
Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Du lịch cộng đồng đang trở thành ngọn gió tươi mới thổi sức sống vào bức tranh kinh tế chung của các tỉnh Tây Bắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng đất biên cương. Những mô hình du lịch đậm đà bản sắc dân tộc, cảnh sắc hùng vĩ tráng lệ, kết hợp với dịch vụ càng lúc càng chuyên nghiệp đang đưa nhiều địa phương của Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đến gần với du khách trong và ngoài nước.

Những làn gió mới mang lại đổi thay

Mỗi lần lên với Tây Bắc, tâm trí tôi thường hiện ra những câu chuyện của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong tập truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát”. Nhà văn kể cuộc sống, về con người ở những bản làng nằm lọt thỏm giữa “ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn”. Đó là khung cảnh có phần buồn bã và cô đơn, đẹp nhưng lạnh lẽo, lãng mạn song quá hoang sơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm thôn bản Hua Tạt vào tháng 5/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm thôn bản Hua Tạt vào tháng 5/2022

Trải qua nửa thế kỷ, ngọn gió của Hua Tát vẫn thổi ngang trời xanh Tây Bắc, tuy nhiên, khung cảnh và con người của vùng đất trùng điệp núi non này đã lột xác, trở nên sống động, vui tươi đến ngỡ ngàng.

Kể chuyện ngày xưa

Trong những năm tháng thanh xuân, cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng có chòm chèm chục năm dạy học tại Tây Bắc. Truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của ông dẫn dắt người đọc vào một thế giới như mộng ảo, đầy tính huyền thoại về cảnh vật và cuộc sống nơi đây.

Giống như hàng trăm địa phương tại các tỉnh Tây Bắc, thung lũng Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp là một bản làng ở trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt. Thung lũng ở Hua Tát rất ít nắng, ở đó quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người nhìn vật thì chỉ thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đó quả thực là một cái không khí để huyền thoại bay lên. “Hua Tát là một bản nhỏ cô đơn”, nhà văn cảm khái.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng tập truyện Những ngọn gió Hua Tát ngay tại sân trường cấp III Mai Sơn, nơi ông từng dạy học vào cuối thập niên 1970. Ảnh: Mai Anh Tuấn
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng tập truyện Những ngọn gió Hua Tạt ngay tại sân trường cấp III Mai Sơn, nơi ông từng dạy học vào cuối thập niên 1970. Ảnh: Mai Anh Tuấn

Về sau này, khắp cả nước Việt Nam, nhiều thế hệ đã đọc “Những ngọn gió Hua Tát” và nghe Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện về Tây Bắc. Họ si mê những bản làng lấp trong sương mù, những mái tranh ẩn dưới tán cây đào cổ thụ, những bữa rượu say mèm bên bếp lửa và say nhất là tính người mộc mạc nơi ở mảnh đất xa xôi kia. Và họ lên đường đến với Tây Bắc!

Khoảng chừng mươi mấy năm trước, người viết lần đầu lên với Tây Bắc, cũng mang theo bao nhiều háo hức và chờ mong. Con đường quốc lộ 6 ngoằn ngoèo mảnh như sợi chỉ vắt ngang lưng chừng núi đưa chúng tôi đến với Mai Châu, Hang Kia - Pà Cò, thị trấn Nông Trường (Mộc Châu), xa hơn nữa là đèo Pha Đin cao ngất, đèo Khau Phạ phủ lúa vàng rực rỡ, đèo Ô Quy Hồ chòng chành như người say, động Tiên Sơn mờ ảo, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ hùng tráng… Cảnh sắc Tây Bắc đẹp hơn cả chờ mong!

Tuy nhiên, dù là một du khách dễ tính và ngây thơ, chúng tôi ngày ấy cũng khá là tiếc nuối khi tiềm năng du lịch của các vùng đất Tây Bắc chưa được khai thác một cách xứng đáng. Hầu như không thể tìm được một điểm lưu trú mang hơi hướng bản địa, ngoại trừ chấp nhận ở trong các nhà trọ xập xệ, hoặc chi tiền cho những khách sạn tựa như hộp bê tông cứng nhắc vốn chẳng ăn nhập chút nào với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng.

Bản làng vùng cao lấp ló trong sương sớm. Ảnh: Đức Anh
Bản làng vùng cao lấp ló trong sương sớm. Ảnh: Đức Anh

Lúc bấy giờ, dịch vụ du lịch của người dân địa phương chỉ có thể diễn tả bằng hai từ “khiêm tốn”. Ví dụ, tại Mộc Châu, những gia đình sở hữu cánh đồng gần đường quốc lộ 6, hoặc trong khu vực rừng thông Bản Áng thường bỏ công gieo một mảnh vườn cải. Dịp cuối năm, khi hoa cải nở trắng tinh, khách từ dưới xuôi nô nức du Xuân, họ sẽ dừng ở vườn cải để chụp ảnh - mỗi người khách đóng góp cho chủ vườn 10 ngàn đồng, gọi là phí chăm sóc hoa. Sau vài ngày, cánh đồng hoa cải bị xéo dập dụi, du khách rời đi và người chủ vườn chẳng còn gì.

Bầu không khí mới trên bản mông

Lại chuyện mười năm trước, tại Hà Nội phồn hoa, người viết quen biết anh bạn dân tộc Mông, cũng sinh ra trên mảnh đất Hua Tạt, tên là Tráng A Chu. Bấy giờ, A Chu chừng 23 - 24 tuổi, đang học Cao đẳng Giao thông vận tải, sau đó còn theo tiếp Đại học Bách Khoa. Mấy anh bạn miền xuôi đều khoái A Chu, bởi hắn thông minh lém lỉnh, điệu bộ ngây ngô nhưng tháo vát vô cùng, cái miệng hay cười trong khi cặp mắt lúc nào cũng hấp háy, nhấp nhỉnh.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc
Chàng trai Tráng A Chu ở thôn bản Hua Tạt

Trong những lần lang thang phố phường Hà Nội, lặng ngắm ánh đèn loang loáng, A Chu bảo hắn sẽ làm gì đó để thay đổi bộ mặt bản làng quê hương, thay đổi cuộc sống của người Mông. A Chu thật thà thổ lộ: “Người Mông ở Hua Tạt có nhiều cái cần thay đổi lắm. Như trong nếp sống thì hầu như không nhà nào có nhà vệ sinh; Phụ nữ ít khi tắm rửa, ít đi khám bệnh. Nhiều người quen sử dụng thuốc phiện để hút hoặc dùng thay thuốc kháng sinh chữa bệnh, vì thế nên sẽ lén lút trồng hoặc mua bán chất ma túy. Trong việc làm thì ít quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, thường đốt nương rẫy, chặt cây rừng, săn thú… Vì thế, cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn mà càng khó khăn thì lại dễ trở về với lạc hậu… Quê mình bao đời vẫn chậm thay đổi bởi bà con trong bản ít có ai được đi nhiều, học nhiều như tôi. Quê hương nuôi mình khôn lớn nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm với sự phát triển của quê hương mình”.

Chúng tôi nghe vậy, thằng nào cũng gật lấy gật để, rồi cười phà phà, cho rằng đó chỉ là lời nói ngông cuồng của tuổi trẻ. Thế rồi, A Chu không xuống Hà Nội nữa, nghe nói bố mẹ bắt lấy vợ, bọn chúng tôi đều tặc lưỡi tiếc cho giấc mơ “thay đổi bản làng quê hương” của chàng trai đã tắt.

Nhưng không phải như vậy! Tráng A Chu đã làm được nhiều hơn sự tưởng tượng của chúng tôi.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Nghe tin mô hình homestay của Tráng A Chu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân ghé thăm hồi cuối tháng 5 vừa qua, những người bạn cũ như chúng tôi đều kinh ngạc. Chúng tôi vội vã lên thăm A Chu. Thì ra, trong lúc chúng tôi đang mải miết “chém gió” với cuộc đời, thì tại thôn bản Hua Tạt của mình, Tráng A Chu đã âm thầm cần mẫn làm nên những điều lớn lao, hiện thực hóa giấc mơ mà ai nấy đều coi là điên rồ thời trai trẻ.

Homestay A Chu bây giờ là điểm hẹn quen thuộc của các du khách mỗi khi đến với Tây Bắc. Đây là một quần thể bao gồm nhà sàn và một vài bungalow nằm ngay cạnh nhà văn hóa và sân vận động của bản Hua Tạt. Năm 2014, gia đình Tráng A Chu là những người đầu tiên trong bản đã tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Nhà văn hóa và sân vận động được xây dựng khang trang cũng do một phần góp đất của gia đình A Chu.

Giờ đây, cơ ngơi của A Chu đã rất vững vàng. Ngôi nhà sàn độc đáo, kết hợp những nét truyền thống của ngôi nhà Mông, nhưng lại tăng thêm những tiện ích hiện đại tạo sự thoải mái cho du khách. Mái nhà lợp lá cọ, trên những hàng cột được lắp bóng điện trang trí khéo léo. Tầng một của nhà sàn được thiết kế quầy bar, các bàn cho khách ngồi ăn uống, ngắm cảnh thiên nhiên, được trang trí bằng những vật dụng độc đáo. Tất cả những vật dụng nhỏ nhất của ngôi nhà đều tạo ra vẻ hài hòa với không gian của miền cao nguyên.

Thết đãi bạn phương xa, A Chu bày biện toàn những món của người Mông như gà xương đen, cá suối, lợn bản, rau rừng… do chính tay người vợ của A Chu là chị Hàng Thị Sua tự tay nấu nướng. Rượu men lá thơm nồng, cuộc trò chuyện mỗi lúc thêm huyên náo, A Chu kể về “sự nghiệp” làm homestay của mình như sau: “Lúc bắt đầu, ngoài quyết tâm và ý tưởng, trong tay hai vợ chồng mình chẳng có đồng tiền nào. Mình với vợ xuống Lóng Luông, vay nặng lãi được 30 triệu. Rồi mua căn nhà này trị giá 150 triệu - người ta cho nợ một năm. Trong quá trình tu sửa ngôi nhà để làm homestay, nói thật là nhiều lúc mình muốn đốt nhà, bởi vì khó khăn quá. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, mọi người dèm pha - bao nhiêu là áp lực. Cũng may mắn cho mình, thầy Dương Minh Bình (Giám đốc Công ty Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam, Community Based Tourism, viết tắt là CBT) luôn động viên, hỗ trợ mình. Hơn nữa, mình muốn trải nghiệm thành quả của sức lao động, hơn là kiếm tiền từ việc “xách hàng” từ bên kia biên giới (nơi A Chu sinh sống trước đây là trọng điểm buôn bán ma tuý, rất nhiều thanh niên vướng vào lao lý do tham gia vào vận chuyển cái chết trắng - PV)”.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Quan điểm của A Chu khi làm du lịch cộng đồng là giữ gìn tôn tạo nếp văn hóa Mông đặc trưng, ở thổ cẩm hoa văn họa tiết trên trang phục, đến các loại nông cụ đan lát bằng vật liệu tre truyền thống, nếp nhà lợp mái tranh xưa cũ đông ấm hè mát, hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời, A Chu lồng ghép tinh tế vật liệu tre, đá hài hòa với khung cảnh chung quanh. Bờ rào tre, con đường lát đá, du khách đến bản Hua Tạt được trải nghiệm cảm giác thư thái, sống chậm nhu nhuận với tự nhiên. Đó chính là giá trị cốt lõi chạm tới cảm xúc du khách.

Nhờ tài trí thông minh tháo vát và kinh nghiệm nhiều năm tại Hà Nội của A Chu, do đó, không chỉ có các du khách tìm đến mà các công ty lữ hành cũng đã coi A Chu là đối tác quan trọng. Cơ sở lưu trú của Tráng A Chu may mắn khi được Công ty Du lịch dựa vào cộng đồng Hà Nội lên khảo sát, giúp đỡ kết nối với hơn 50 công ty du lịch lữ hành thường xuyên đưa khách du lịch tới nghỉ. Bình quân mỗi tháng homestay của Tráng A Chu thu hút khoảng 400 - 500 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Riêng các ngày nghỉ lễ, homestay của A Chu luôn kín phòng. Năm 2019, thời điểm hoạt động du lịch chưa bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, homestay A Chu đón gần 7.200 lượt khách, chưa kể số khách tới đặt ăn mà không nghỉ lại.

Du khách tới thăm bản làng vùng Tây Bắc
Du khách tới thăm bản làng vùng Tây Bắc

Từ khi A Chu triển khai dự án du lịch cộng đồng đã bắt đầu được chính quyền địa phương quan tâm. Cổng chào, con đường vào bản cũng đã được làm kiên cố. Hai bên đường có hệ thống đèn điện chạy bằng năng lượng mặt trời do một đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã về khảo sát và tìm hiểu để làm cơ sở nhân rộng mô hình cho các nơi khác. Dự án của A Chu đã mở ra một hướng đi mới cho bà con của bản Hua Tạt.

A Chu không những là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng mà anh còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… lần lượt đã đến nhà nhờ Chu hướng dẫn mình xây dựng mô hình. Cho tới nay, tại bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó đã xây dựng được 5 mô hình homestay. A Chu tâm sự “Mình làm thành công thì cần phải chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Bà con ở bản phải đoàn kết nâng cao chất lượng các homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch”.

Vũ Cường - Thanh Thắng - Phạm Mạnh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động