“Cơn bão” giá vàng đã qua có bàn tay của nhóm đầu cơ
Bộ Công an: Có doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng Một địa phương kiểm tra xong hoạt động kinh doanh vàng |
Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tại toạ đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế", diễn ra ngày 8/7.
Theo ông Phụng, những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hiện nay rất cần vốn để kinh doanh nên không dại gì bỏ tiền ra ôm vàng vào. Thay vào đó, chỉ có người dân có thói quen tích trữ vàng rồi mua vàng làm của hồi môn trong những dịp cưới xin nhưng nhu cầu đó không quá lớn.
“Có những nhóm đối tượng khác mua vàng ở đây. Đó là những nhóm lợi ích. Thực sự hiện nay nhu cầu mua vàng của người dân có đủ lớn thật hay không để phải hy sinh dự trữ ngoại tệ quốc gia giải quyết nhu cầu đó?”, ông Phụng nêu vấn đề và khuyến nghị các cơ quan quản lý xác định thái độ ứng xử phù hợp với thị trường vàng.
Cũng tại tọa đàm, đánh giá về những diễn biến bất thường của thị trường vàng thời gian qua, PGS.TS. Võ Thị Vân Khánh, Phó Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh cơ hội và lợi nhuận đầu tư đa số các lĩnh vực khác gặp khó khăn, việc chênh lệch giá vàng đã làm tăng các hoạt động buôn lậu vàng và tăng xu hướng “sùng bái vàng”, thậm chí là “tiền tệ hóa” vàng và tạo cơ hội cho những hoạt động tiêu cực, nhất là việc đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm gắn với việc sản xuất và kinh doanh vàng trên thị trường trong nước.
Các diễn giả tham gia tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức. Ảnh: Việt Dũng. |
Theo bà Võ Thị Vân Khánh, sự chênh lệch và cơn sốt săn vàng miếng khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi do phải mua vàng với giá đắt và nhiều người dân tất toán tiền tiết kiệm, chuyển sang nắm giữ, chôn tài sản trong vàng.
Đồng thời, dòng tiền trong nền kinh tế bị vướng vào vòng luẩn quẩn: nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất, khiến chính sách phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn trong khi xu hướng vàng hóa, tiền tệ hóa vàng SJC trỗi dậy.
Cũng nêu nhân định về nguyên nhân gây nên cơn sốt vàng, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lưu ý 2 yếu tố.
Thứ nhất, giá vàng thế giới thời gian qua tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 2.413,8 USD/ounce vì giới đầu tư dự báo kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm 2024.
Vàng cũng phản ứng ngược với giá trị đồng USD, giá USD đang giảm đã thúc đẩy giá vàng tăng, thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh trong năm 2024.
Một sự hỗ trợ quan trọng khác cho việc tăng giá vàng, đó là việc các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là ngân hàng trung ương Trung Quốc tích cực gia tăng mua vào, năm 2022 ghi nhận hơn 1.100 tấn mua vào, tương đương 30% tổng sản lượng vàng sản xuất trên toàn thế giới.
Thứ hai, ở trong nước, nguyên nhân gây bất ổn của thị trường vàng là do mất cân đối cung - cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao. Về cung vàng, trong hơn 10 năm qua nước ta không hề nhập khẩu vàng chính ngạch.
Theo vị chuyên gia này, tâm lý đám đông rất dễ bị thu hút bởi “sóng”, càng cao càng dễ hút tiền, bong bóng tài sản luôn hình thành bởi tâm lý đám đông như vậy.
Bên cạnh đó, thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung, thay vào đó, rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này tạo ra sự không minh bạch về giá và tạo điều kiện cho khả năng thao túng giá, tạo mảnh đất đầu cơ.