Có sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng

Qua thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng, cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã phát hiện một số sai phạm và đang hoàn tất kết luận.
Hà Nội: Hé mở danh sách thanh tra 20 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội Ngân hàng không gây áp lực cho nhân viên, cấm “ép” khách hàng mua bảo hiểm

Chia sẻ tại họp báo chiều 30/3 liên quan đến tình trạng ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp “ép” khách hàng mua bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, sau hơn một tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng gồm số điện thoại, email tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đơn vị đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này.

Theo ông Tuấn, việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm thực hiện theo quy định của Nhà nước. Cục đã cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về bảo hiểm qua ngân hàng và cũng đã phát hiện một số sai phạm.

"Hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, trong thời gian ngắn nhất sẽ ban hành kết luận. Sau khi có kết luận sẽ công bố. Nếu thanh tra phát hiện sai phạm nhất định sẽ xử lý theo quy định luật", ông Tuấn nói.

Có sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng
Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm chia sẻ tại buổi họp báo.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian gần đây, bộ này nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.

Thứ trưởng khẳng định, đường dây nóng lúc nào cũng thông suốt, vừa hướng dẫn, phản ánh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm.

Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trong thời gian qua, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy nhiên, vì phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện một số giải pháp. Ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư liên tịch để quản lý việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Qua đó, đã quy định một số nguyên tắc nhất định để đảm bảo quản lý, giám sát kênh này chặt chẽ.

Trong suốt những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2022, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm thắt chặt hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đặc biệt là các vấn đề về nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm.

Tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung một số nguyên tắc nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đại lý bảo hiểm cá nhân, đại lý bảo hiểm là tổ chức trong đó có các tổ chức tín dụng, trong đó, giao Chính phủ quy định cụ thể hoá những quy định để đảm bảo chặt chẽ khi quản lý hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh này.

Các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 hiện tại đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, thông qua cũng đã bổ sung hàng loạt các nhóm giải pháp có liên quan để đảm bảo quản lý chặt chẽ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, bao gồm các nhóm điều kiện với đại lý là tổ chức trong đó có các tổ chức tín dụng; điều kiện với đại lý; quy định về minh bạch hoá tài liệu bán hàng, tránh gây hiểu nhầm giữa sản phẩm ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm; các quy định hạn chế việc đại lý có thể lợi dụng để gây nhầm lẫn, thiệt hại cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Ông Trung cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát thị trường bảo hiểm.

Năm 2022, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình Bộ Tài chính và được Bộ phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm và đã thực hiện được 4 cuộc thanh tra, đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, sẽ xử lý nghiêm hoặc phối hợp với cơ quan công an xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự.

"Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát với kênh này", ông Trung nói.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã chủ động làm việc và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước để cùng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

"Chúng tôi sẽ cùng nhau phối hợp để thực hiện thanh tra đối với cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo đồng bộ, xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có), đảm bảo lợi ích của người tham gia bảo hiểm", ông Trung nói thêm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các phản ánh của người dân, tổ chức về các hiện tượng làm không đúng nguyên tắc tự nguyện trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động