Có khoảng cách lớn giữa yêu cầu của bên bán và bên mua điện
Miền Bắc nguy cơ thiếu 4.900MW điện vì nắng nóng Thủ tướng yêu cầu khẩn trương huy động 40% công suất Nhà máy điện mặt trời 450MW |
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội vừa phối hợp tổ chức diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”.
Tại diễn đàn, chia sẻ về các chính sách hiện hành liên quan đến quy định về hợp đồng mua bán điện, mua bán khí làm cơ sở thu xếp vốn và đầu tư xây dựng dự án nhiệt điện khí và dự án điện gió, ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, các chính sách hiện hành liên quan đến hợp đồng mua bán điện, mua bán khí làm cơ sở cho thu xếp vốn và đầu tư xây dựng chuỗi điện khí và điện gió hiện nay đã được quy định đầy đủ.
Ông Phạm Quang Huy khẳng định, để đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon, chiến lược và tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí, điện gió trong trung và dài hạn đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước theo hướng ngày càng chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.
Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng và an toàn vận hành hệ thống thì cần thiết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới.
Theo ông Huy, hiện nay việc đàm phán hợp đồng mua bán điện còn khó khăn do các nhà máy đều mong muốn tỷ lệ cam kết sản lượng hợp đồng cao, để quản lý rủi ro ít được huy động trên thị trường điện khi giá khí liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua.
Ông Huy cho rằng, việc đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao, dẫn tới khó có khả năng vay vốn để thực hiện dự án và thu hồi chi phí cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, việc giảm thiểu rủi ro về giá của nhiên liệu khí có thể thực hiện bằng cách mua khí có thể thực hiện bằng cách mua khí theo hợp đồng dài hạn, tuy nhiên luôn đi kèm với ràng buộc về sản lượng, trở thành một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới việc đầu tư các nhà máy điện khí trong giai đoạn vừa qua.
Ông Cáp Tuấn Anh – Phó trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. |
Trong khi đó, ông Cáp Tuấn Anh – Phó trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cơ cấu nguồn điện nói chung và nguồn điện gió, khí nói riêng của giai đoạn đến 2030 đã được đơn vị tư vấn tính toán và cơ quan có thẩm quyền quyết định, quyết định phù hợp trong Quy hoạch điện VIII.
Theo ông Tuấn Anh, EVN cam kết thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện đến 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị khác cần phối hợp chặt chẽ với EVN và các đối tác liên quan để thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện đến năm 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Tuấn Anh cho rằng, bên bán điện có xu hướng yêu cầu giá điện cao để tối đa hóa lợi nhuận nhưng EVN chỉ có thể mua điện ở mức giá hợp lý và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, có khoảng cách lớn giữa các yêu cầu của bên bán và khả năng đáp ứng của bên mua điện là EVN.
Vì vậy, theo ông Tuấn Anh là cần có các quy định rõ ràng của cấp có thẩm quyền để đáp ứng nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro của các bên tham gia mua, bán điện mà trong đó EVN là một bên tham gia.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại diễn đàn, để thực hiện có hiệu quả quy hoạch điện trong thời gian tới, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế hợp đồng mua - bán điện trực tiếp cũng như xây dựng chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện.
Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động cho đầu tư phát triển điện cũng như chính sách thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.