Cô gái 24 tuổi mất mạng vì thói quen dùng điện thoại nhiều người mắc phải
Olesya Semenova tử vong vì bị điện giật khi đang dùng smartphone cắm sạc (Ảnh: Mirror) |
Olesya Semenova, một nhân viên cửa hàng bán quần áo tại Arkhangelsk (Nga) được phát hiện đã chết trong bồn tắm, với bên cạnh là một chiếc iPhone 8 đang cắm sạc.
Người phát hiện sự việc là Daria - cô bạn cùng phòng của Olesya. Mặc dù ngay lập tức gọi dịch vụ ứng cứu khẩn cấp, nhưng cảnh sát và các nhân viên y tế xác nhận cô gái 24 tuổi đã tử vong trong bồn tắm.
Theo Mirror, nguyên nhân ban đầu được cho là bởi chiếc iPhone bị rơi xuống nước khi cắm sạc. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc Olesya bị giật ngay khi đang cầm chiếc điện thoại bị ướt.
"Tôi thực sự sợ hãi. Khi chạm vào cô ấy, tôi cũng bị điện giật. Có một chiếc điện thoại ở dưới nước. Nó đang cắm sạc", bạn cùng phòng của Olesya cho biết.
Vừa cắm sạc pin vừa sử dụng điện thoại là thói quen của rất nhiều người, bất chấp việc đây là một hành động nguy hiểm. Nguyên nhân có lẽ do họ không ngờ rằng một chiếc điện thoại với cổng sạc điện áp thấp, lại có thể dẫn đến tai nạn chết người.
Thói quen "giết người" nhưng bị số đông phớt lờ
Chỉ tính riêng tại Việt Nam, trong hai năm gần đây đã có hàng loạt trường hợp điện thoại bị rò điện, cháy nổ trong lúc đang cắm sạc khiến người dùng tử vong hoặc bị thương nặng.
Ngày 15/6 vừa qua tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình), anh Q.V.A (sinh năm 1993) đã tử vong do vừa cắm sạc pin vừa sử dụng điện thoại. Chiếc điện thoại bị nổ thậm chí dính vào vùng ngực của nạn nhân.
Cuối tháng 11/2019, một bệnh nhân 16 tuổi sống tại Thanh Hóa đã phải nhập viện tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khi chiếc smartphone đang cắm sạc bất ngờ phát nổ trên tay. Nạn nhân bị nhiều vết thương nghiêm trọng, bao gồm vết thương ở mặt, ngực, đùi phải, dập nát toàn bộ bàn tay trái…
Sử dụng smartphone đang cắm sạc là một thói quen nguy hiểm, khiến nhiều người bị thương nặng, thậm chí dẫn tới tử vong |
Trên lý thuyết, đúng là người dùng sẽ khó bị điện giật bởi smartphone, ngay cả khi thiết bị đang sạc, bởi lẽ các thiết bị sạc thường có bộ phận đổi điện áp, nên có đầu ra điện áp thấp. Tuy nhiên trên thực tế sẽ có nhiều tình huống khiến quy chuẩn này không còn chính xác.
Điển hình như trong trường hợp dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi, dây sạc, củ sạc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.... hoặc vì nhiều lý do khác nhau, thì smartphone vẫn có thể bị rò điện và gây ra nguy hiểm.
Cảnh báo này đặc biệt đáng chú ý tại Việt Nam, trong bối cảnh các cửa hàng vẫn "nhan nhản" nhiều loại củ sạc, dây sạc trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Dưới phương diện người tiêu dùng, họ rất dễ mua phải những phụ kiện này vì đa số đều có giá rẻ - thậm chí rất rẻ nếu như "săn sale" tại các chương trình khuyến mãi lớn từ sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, chất lượng của chúng thì không đảm bảo, chưa được kiểm chứng và có thể gây nên hiện tượng rò điện, rất nguy hiểm cho người dùng.
Ngoài nguy cơ bị giật điện, sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc có thể đối mặt với nguy cơ quá tải nhiệt, cháy, nổ,... dẫn đến những tai nạn nguy hiểm.
Không nên sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc |
Để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ bị giật điện, cháy nổ, người dùng không nên sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc. Khi cắm sạc, người dùng nên cắm dây sạc vào điện thoại, sau đó mới cắm củ sạc và ổ điện, điều này giúp tay không bị chạm vào điện thoại khi dây cắm đã có nguồn điện, dẫn tới bị giật nếu điện thoại bị rò rỉ điện. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng củ sạc, dây sạc chính hãng. Tuyệt đối không sử dụng các loại dây sạc không rõ nguồn gốc. Nếu nhận thấy smartphone bị rò điện, hoặc có dấu hiệu bị quá tải nhiệt, người dùng nên lập tức ngắt nguồn sạc, tắt điện thoại để tránh tai nạn đáng tiếc, và mang thiết bị đến các cửa hàng điện thoại có uy tín để nhờ kiểm tra. |
Hiểm họa từ bức xạ điện thoại thông minh và thiết bị không dây Theo dữ liệu từ Tổ chức tư vấn ngành công nghiệp di động thế giới - GSMA Intelligence: Hiện trên thế giới có khoảng 5,20 ... |