Có cơ chế tạo đột phá mới để Huế phát triển nhanh, bền vững

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững...
Chính phủ trình Quốc hội thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 31/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Cần có cơ chế tạo đột phá mới

Các đại biểu cơ bản tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Các đại biểu cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Có cơ chế tạo đột phá mới để Huế phát triển nhanh, bền vững
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam).

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương như phương án Chính phủ đề nghị là hoàn toàn bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan; đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.

Việc thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo tiền đề để thành phố Huế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Nhất trí với các kiến nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế của Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững.

Đng thời, ông Thắng cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Huế nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng thành phố giàu mạnh, xứng đáng với vị trí, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản

Cùng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược tại miền Trung, kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận và có tiềm năng phát triển thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của vùng.

Có cơ chế tạo đột phá mới để Huế phát triển nhanh, bền vững
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Bên cạnh đó là cố đô của Việt Nam, Thừa Thiên Huế còn sở hữu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và có nhiều cơ sở nghiên cứu, giáo dục, y tế quy mô lớn, lâu đời.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã đầu tư và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại, đáp ứng tiêu chí của một đô thị lớn, bao gồm hệ thống giao thông, công trình công cộng và các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đô thị lớn, trong đó Thừa Thiên Huế được xác định là khu vực có tiềm năng phát triển vượt trội trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục và y tế.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều tiêu chí của đô thị loại I, là tiền đề để chuyển thành đô thị trực thuộc Trung ương. Do vậy, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết và có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi Huế phải có quy hoạch đô thị phù hợp để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững. Do vậy, thành phố cần quan tâm đến việc mở rộng không gian đô thị, phân khu chức năng hợp lý, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo hoặc sử dụng đất không hiệu quả. Hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông và các dịch vụ công phải được nâng cấp tương xứng với vị thế mới của thành phố.

”Đặc biệt, Huế là nơi có nhiều di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quan trọng của Việt Nam, do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, hệ thống lăng tẩm, đền đài là rất quan trọng. Cần tránh tình trạng phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến các khu vực di sản, mất đi giá trị văn hóa đặc thù của thành phố”, đại biểu Thạch Phước Bình lưu ý.

Bên cạnh đó, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ đặt ra yêu cầu cho thành phố phải tăng cường tự chủ về tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Do vậy, đại biểu cho rằng cần xây dựng các chính sách nhằm tối ưu hóa nguồn thu ngân sách, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách cho đầu tư công, đảm bảo hiệu quả và tránh thất thoát lãng phí, phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế.

Hậu Lộc
Phiên bản di động