Cơ chế giá và bao tiêu sản lượng là những e ngại lớn nhất của điện tái tạo
Ngày càng nhiều tập đoàn muốn mua điện tái tạo không qua EVN Năng lượng tái tạo chiếm 27% công suất toàn hệ thống điện |
Nhóm chuyên gia của tổ chức FiinRatings vừa công bố báo cáo phân tích "Triển vọng thị trường vốn nợ năm 2024 – Thích nghi với thay đổi", trong đó có những nhận định riêng về ngành năng lượng.
Theo đó, trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) sau nhiều lần dự thảo và chỉnh sửa.
Quy hoạch điện 8 đã đưa ra quy hoạch tổng thể và đặt nền tảng cho việc triển khai các dự án, với trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo.
Cụ thể, đến năm 2030 cơ cấu nguồn điện sẽ tập trung sang các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ 27%, trong đó điện gió trên bờ chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện, điện gió ngoài khơi 4,0% và điện mặt trời chiếm 8,5%.
Mặc dù tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn, FiinRatings cho rằng vẫn còn những khó khăn và thách thức nhất định. Trong đó, các chính sách liên quan tới cơ chế giá và bao tiêu sản lượng là những e ngại lớn nhất của các nhà đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận vốn vay của các tổ chức tài chính, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ước tính, có tới gần 40% nhà phát triển điện gió có mức nợ vay/EBITDA (lợi nhuận) > 8 lần, trong khi đó, nguồn vốn dài hạn (ví dụ: >10 năm) của toàn hệ thống để tài trợ cho các dự án này vẫn ở mức khá hạn chế.
Cùng với đó, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (“EVN”) cũng là một trong những câu hỏi lớn của các nhà đầu tư, không chỉ từ các chính sách liên quan tới hợp đồng mua bán điện (“PPA”), mà còn do kết quả tài chính thua lỗ trong 2 năm qua.
Những khó khăn này xuất phát từ nghĩa vụ “kép” của EVN là cung cấp điện với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng và cơ sở sản xuất, đồng thời phải đầu tư vào các dự án truyền tải và phân phối điện.
Theo FiinRatings, những tác động tiềm ẩn từ tình trạng tài chính khó khăn của EVN là đáng lo ngại vì Chính phủ Việt Nam không có cơ chế đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp sản xuất điện.
Các chính sách liên quan tới cơ chế giá và bao tiêu sản lượng là những e ngại lớn nhất của các nhà đầu tư năng lương tái tạo. |
Về triển vọng, FiinRatings kỳ vọng Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thực hiện cải cách, thực hiện các biện pháp tái cơ cấu và sớm đưa ra các hướng dẫn cụ thể về cơ chế giá, cũng như các cơ chế để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Hiện tại đã có những tín hiệu tích cực trong quá trình này, đặc biệt là cho những dự án chuyển tiếp (các dự án chưa đi vào vận hành theo thời gian quy định như quy hoạch, do đó chưa có mức giá cụ thể).
Bộ Công thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, sau một thời gian dài các dự án rơi vào đình trệ.
Tính lũy kế đến tháng 11/2023 đã có 21 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.201,4MW đã hoàn thành thủ tục vận hành thương mại (COD) đã phát điện thương mại lên lưới điện.
Theo FiinRatings, việc tài trợ cho các dự án điện đòi hỏi nguồn vốn rất dài hạn, đây là một vấn đề đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mức đầu tư ước tính 135 tỷ USD trong 10 năm (tương đương 13,5 tỷ USD/năm).
Hiện tại, dư nợ cho các dự án năng lượng tái tạo trong hệ thống cũng mới chỉ khoảng 10 tỷ USD. Điều này cho thấy việc khơi thông được dòng vốn tư nhân, và các cơ chế hỗ trợ thị trường tài chính xanh để thu hút dòng vốn nước ngoài là đặc biệt quan trọng.
Thị trường tài chính xanh, tín dụng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng cũng như của các đối tác quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hoàn thiện cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc xác định các lĩnh vực, dự án được cấp tín dụng xanh, các tiêu chí đánh giá dự án xanh, các hình thức cấp tín dụng xanh để tạo cơ sở phát triển nguồn vốn và giải ngân.
Trong đó, tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (“COP28”) từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (“JETP”) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (“IPG”), từ đó hướng tới việc chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Tuy thị trường tài chính xanh ở Việt Nam đã có bước tiến, nhưng quy mô hiện tại vẫn còn tương đối hạn chế. Việt Nam chỉ có một lô trái phiếu xanh duy nhất trong năm 2023 do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (“BIDV”) phát hành trị giá 2.500 tỷ đồng, với mục đích hỗ trợ các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và bảo vệ môi trường, đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên do một ngân hàng xây dựng theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (“GBP”) của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (“ICMA”).
Mặc dù vậy, nhóm chuyên gia của FiinRatings tin rằng trong năm tới, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu quan tâm đến lộ trình xây dựng các khung tài chính xanh và tiếp cận nguồn vốn xanh mới, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo với các lô trái phiếu xanh trong nước đầu tiên.