Chuyển thanh tra xây dựng về địa phương: 6 tháng nhìn lại
Hà Nội: Công trình khủng "chọc thủng" quy hoạch tại phường Trần Hưng Đạo Hà Nội: Nhiều công trình "khủng" sai phép tại Hoài Đức và Thạch Thất |
Tháng 7/2018, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 3406/QĐ-UBND về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã (trên cơ sở tổ chức lại Đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng).
Theo đó, các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị được chuyển từ Thanh tra Sở Xây dựng về trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã.
Mô hình thí điểm này được thực hiện trong 2 năm, từ tháng 8/2018 - 8/2020. Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành bàn giao 1.393 thanh tra xây dựng về các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, Sở cũng bàn giao toàn bộ tài sản, phương tiện, trụ sở làm việc trên cơ sở hiện trạng của từng đội.
Công trình số 24 Hà Hồi xây dựng sai phép. |
Báo cáo tình hình triển khai quyết định nêu trên của Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, sau 6 tháng chuyển giao, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 5.561 công trình xây dựng, trong đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 305 trường hợp có vi phạm (tương đương 5,5%).
Cụ thể, có 42 trường hợp xây dựng không phép; 47 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 2 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 214 trường hợp có các vi phạm khác như xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đê điều, lưới điện...
UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 231 trường hợp vi phạm (cưỡng chế phá dỡ 68 trường hợp; tự khắc phục 151 trường hợp; hòa giải, bồi thường 3 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 9 trường hợp) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 74 trường hợp.
Công trình phía sau 75 Trần Hưng Đạo cũng xây dựng sai phép. |
Nếu so với thời điểm 6 tháng trước khi có Quyết định số 3406/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 9.201 công trình, tuy nhiên chỉ phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 330 trường hợp có vi phạm (tương đương 3,6%).
Trong đó, 52 trường hợp xây dựng không phép; 80 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 6 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 192 trường hợp có các vi phạm khác như xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đê điều, lưới điện...
UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 290 trường hợp vi phạm (cưỡng chế phá dỡ 70 trường hợp; tự khắc phục 167 trường hợp; hòa giải, bồi thường 12 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 41 trường hợp) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 40 trường hợp.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng, tuy nhiên việc thực hiện Quyết định số 3406/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội vẫn tồn đọng nhiều vướng mắc bất cập.
Chẳng hạn hiện nay, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. Do đó dẫn đến hiệu quả xử lý các trường hợp vi phạm còn chậm, có vụ việc chưa được xử lý hiệu quả cao.
Tại một số quận nội thành, đặc biệt là huyện ngoại thành, còn có tình trạng xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất công, đất hành lang an toàn giao thông, đất đê điều, thủy lợi. Trong khi đó, quá trình thiết lập hồ sơ để xử lý vi phạm chưa thống nhất về mẫu biểu, điều khoản áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với từng hành vi vi phạm, dẫn đến việc lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý các công trình xây dựng vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở một số nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng...
Để giải quyết dứt điểm những tồn đọng này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trong thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh.