Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT được xem là nhiệm vụ then chốt của ngành BHXH Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Do đó, toàn ngành đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, nhờ đó, đã gặt hái được những thành công bước đầu.
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực BHXH, BHYT Dịch bệnh căng thẳng, số người tham gia BHXH, BHYT vẫn không ngừng gia tăng infographic: 6 nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT năm 2021

Nhiều lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiều nhóm giải pháp trong các ngành, lĩnh vực khác nhau để làm động lực phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số được xác định là then chốt.

Cùng với cả hệ thống chính trị, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành có liên quan và chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số như: Chuyển đổi nhận thức, phát triển hạ tầng, phát triển nền tảng số, đảm bảo an toàn an ninh mạng, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số…

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã gặt hái được những thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số. Trong đó đáng chú ý là việc xây dựng thành công cơ sở quốc gia về Bảo hiểm, và được coi là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia.

Với hệ thống dữ liệu quản lý đặc biệt lớn, lên tới hàng trăm triệu người tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm, cùng hàng triệu bản ghi dữ liệu mỗi ngày cho từng người dân, từng thời điểm điều chỉnh lương của người lao động; Từng viên thuốc khi đi khám chữa bệnh… hệ thống thông tin giám định BHYT đang trở thành một trong những “kho vàng”, là sự dày công xây dựng, là niềm tự hào của BHXH Việt Nam...

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT được xem là nhiệm vụ then chốt của ngành BHXH Việt Nam trong giai đoạn vừa qua

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT là một trong những cấu phần quan trọng của chương trình chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT không phải là mới đối với ngành BHXH Việt Nam.

Trong thời gian qua ngành BHXH Việt Nam đã làm được rất nhiều việc quan trọng, có tính chất nền tảng của quá trình chuyển đổi số, điển hình như: Xây dựng và đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống thông tin giám định BHYT. Hệ thống này có kết nối với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc để thu thập dữ liệu về khám chữa bệnh BHYT, là công cụ có hiệu quả phục vụ cho công tác giám định, để kịp thời phát hiện những trường hợp trục lợi BHYT, giúp cho ngành quản lý tốt hơn quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam cũng xây dựng và đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống cấp mã số BHXH và Quản lý BHYT hộ gia đình. Hệ thống này đang quản lý trên 97 triệu nhân khẩu và cấp mã số BHXH duy nhất cho từng người dân. Mã số BHXH duy nhất này là “chìa khóa” để kết nối các CSDL với nhau, đảm bảo cho việc quản lý người tham gia không bị trùng lặp, chồng chéo, đồng thời nó cũng là “chìa khóa” để người dân khai thác các dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử ngành và của quốc gia.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn xây dựng và đưa vào vận hành thường xuyên ứng dụng BHXH số (VssID) trên các thiết bị di động cầm tay để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giám sát thông tin đóng BHXH của mình và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh thay thẻ BHYT giấy. Hiện tại, đã có khoảng 25 triệu người dân đã cài đặt và sử dụng VssID trên thiết bị cầm tay của mình.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

Những kết quả đạt được của ngành là những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng những khó khăn, thách thức và khối lượng công việc phía trước còn rất nhiều, đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành quá trình chuyển đổi số của mình nói chung và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT nói riêng.

Về thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Nguyễn Lan Hương đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đồng thời đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số trong thẩm định thanh quyết toán chi khám chữa bệnh BHYT.

Theo đó, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT đề xuất các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp để xây dựng, bổ sung các tính năng phần mềm liên quan đến thẩm định quyết toán chi khám chữa bệnh BHYT hàng năm; Phần mềm thẩm định đấu thầu thuốc và vật tư y tế; Đào tạo nâng cao kỹ năng ứng dựng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn của Ban CSYT.

“Song song với đó, Bộ Y tế cần phối hợp xây dựng nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; Phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xác định tổng mức”, bà Hương nhấn mạnh.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực
Chuyển đổi số trong hoạt động giám định BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người bệnh, cơ sở y tế, cơ quan BHXH và cơ quan quản lý

Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương có số thu, chi BHXH, BHYT lớn nhất cả nước. Số đơn vị và đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách lớn, thường xuyên biến động, đối tượng thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT hết sức đa dạng.

Do đó, trong thời gian tới, BHXH thành phố Hà Nội sẽ triển khai sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý nghiệp vụ của Ngành; Rà soát và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, đơn giản thủ tục hành chính; Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

“BHXH thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID đến người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, sinh viên các trường cao đẳng, dạy nghề và đến các nhóm người tham gia BHYT khác trên địa bàn; Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện đề án đến toàn thể công chức viên chức, người lao động, nhất là cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Đề án 06...”, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh.

Có thể thấy, chuyển đổi số trong hoạt động giám định BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người bệnh, cơ sở y tế, cơ quan BHXH và cơ quan quản lý. Đặc biệt, đối với ngành BHXH Việt Nam đã giúp thay đổi cơ bản phương thức giám định, nâng cao hiệu suất, hiệu quả giám định BHYT, rút ngắn thời gian giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT; Phát hiện ngay các yêu cầu thanh toán sai quy định, kịp thời phối hợp với cơ sở y tế kiểm tra, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả kiểm soát sử dụng quỹ BHYT. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT...

Khắc Nam
Phiên bản di động