Dịch bệnh căng thẳng, số người tham gia BHXH, BHYT vẫn không ngừng gia tăng
BHXH Việt Nam: Tiếp nhận, giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động bị F0 |
Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,1% dân số
Thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ quý I/2022 của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, ông Chu Mạnh Sinh, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 3/2022, toàn quốc có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH, trong đó có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và trên 85,34 triệu người tham BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.
Nhìn chung trong 3 tháng đầu năm, số tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng lần lượt là 1,47%, 10,77% và 1,95%.
Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng 1,95% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại giảm 5% so với thời điểm cuối năm trước, tương ứng với giảm 3,49 triệu người (cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,1% dân số).
Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện còn khó khăn, một số người dân đã hết thời hạn sử dụng thẻ chưa tham gia lại, hàng triệu học sinh, sinh viên chưa đóng tiền tham gia tiếp...
Cũng theo thông tin từ BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, các quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng được chi trả đầy đủ, kịp thời.
Theo đó, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi cho người lao động mắc COVID-19.
Cán bộ ngành BHXH tuyên truyền chính sách BHXH tới người dân |
Trước những vướng mắc trong việc giải quyết chế độ BHXH cho người lao động nghỉ việc điều trị COVID-19 tại nhà, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp, tham gia với Bộ Y tế báo cáo, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động là F0 để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Về quyền lợi liên quan đến chính sách BHYT, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), để đảm bảo thực hiện tốt chính sách BHYT cũng như quyền lợi của người dân, BHXH Việt Nam đã phối hợp, đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn xác định tổng mức thanh toán.
Đồng thời, BHXH lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ sở khám chữa bệnh về dự thảo quy trình giám định BHYT mới; Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh kiểm tra, rà soát để cấp tạm ứng cho các cơ sở y tế nhằm đảm bảo kịp thời kinh phí phục vụ hoạt động khám chữa bệnh BHYT...
Đối với mục tiêu đạt khoảng 92% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia chính sách này. Đồng thời phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT, giúp họ thấy rõ lợi ích, từ đó chủ động tham gia.
Cùng với đó, cơ quan BHXH các địa phương phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất UBND cấp tỉnh, thành phố trình HĐND tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ về BHYT hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp năm 2022. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng được ngành BHXH bàn bạc, góp ý, góp phần tăng sức hấp dẫn của chính sách...
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số
Nhấn mạnh về định hướng của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định: Trước mắt vẫn khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó, triển khai nhiệm vụ hiệu quả.
Đặc biệt, toàn ngành cần bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác; Có lộ trình, cách thức triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân…
Do đó, các đơn vị trong toàn ngành cần chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, dù số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh, song công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong cả nước vẫn gia tăng |
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, tâm lý từng nhóm dân cư; Triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; Đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đọng BHXH, BHYT; Đồng thời giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT.
Song song với đó, các cơ quan BHXH tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; Chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; Kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT…
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lưu ý, toàn ngành cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Đặc biệt, toàn ngành BHXH tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID; Nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số của ngành, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh việc phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm, rõ kết quả”; Động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến, cách làm hay. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ; Đoàn kết, đồng lòng xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.