Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh: "Phấn đấu để đời sống người lao động an và yên"

Ngày 23/5, tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã lắng nghe ý kiến, trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp chế xuất của Thành phố.
Công nhân Thủ đô gửi gắm tâm tư trước cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Lắng nghe tiếng nói của người lao động

Cuộc gặp gỡ, đối thoại diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh:
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô

Bên cạnh đó, tới dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo các sở - ngành của Hà Nội và sự tham gia của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, các Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cùng 300 công nhân lao động đại diện cho 3 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, cuộc đối thoại là dịp để trao đổi và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp chế xuất của Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự Hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ: “Để Hội nghị hôm nay thật thiết thực, hiệu quả đối với công nhân, người lao động, tôi muốn lắng nghe trực tiếp ý kiến của công nhân, người lao động một cách cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của mình trên mục tiêu chung “năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn". Chúng ta sẽ cùng thảo luận để làm sao Chính quyền Thành phố có thể tạo điều kiện tốt hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho công nhân, người lao động Thủ đô trong thời gian tới, với mục tiêu làm sao để đời sống của người lao động an và yên".

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, xác định quan điểm mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của Thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của lực lượng công nhân, người lao động Thủ đô, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các bạn công nhân hãy thẳng thắn trao đổi, có ý kiến, đề xuất nguyện vọng của mình.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trên tinh thần tiếp thu, với vướng mắc nào có thể tháo gỡ, lãnh đạo Thành phố, các sở ngành, đơn vị sẽ giải đáp ngay tại Hội nghị. Chính quyền Thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, sẽ đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động vì điều đó cũng sẽ là động lực để Thành phố phát triển.

Giải đáp trực tiếp nhiều kiến nghị của người lao động

Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, trước Hội nghị Chủ tịch UBND Thành phố gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024, tổ chức Công đoàn đã nhận được khoảng 600 kiến nghị gửi về từ các đại biểu công nhân lao động và Công đoàn cơ sở.

Tại Hội nghị, đại biểu của công nhân, người lao động đã trực tiếp phát biểu ý kiến, gửi gắm tâm tư tới người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Nam Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm trình bày ý kiến tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Anh Nguyễn Văn Nam Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm trình bày ý kiến tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Cụ thể, anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm) nêu kiến nghị: Sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều Khu công nghiệp có nhiều công nhân, vợ chồng trẻ, phải đi thuê nhà trọ. Vì thế, anh Nam đề nghị Thành phố xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Đối với vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Về nhà ở xã hội, đây là nội dung được Thành phố hết sức quan tâm. Hiện nay có 58 dự án phát triển nhà ở xã hội. Sở Xây dựng Hà Nội đã trình xây dựng 4/5 dự án nhà ở xã hội tập trung. Với tổng 58 dự án, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Riêng Gia Lâm, đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội ở Cổ Bi với quy mô 22ha đang trình phê duyệt. Sau khi phê duyệt sẽ được triển khai đưa nhà ở xã hội vào phục vụ CNLĐ. Thành phố cũng tạo điều kiện để người lao động mua nhà ở xã hội, trả tiền linh hoạt, ưu đãi, còn vấn đề vay vốn thì sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Người lao động kiến nghị
Người lao động kiến nghị về vấn đề chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm, chị Kim Dung (Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Anh) nêu kiến nghị: Đề nghị các cơ quan chuyên môn liên quan nghiên cứu cải tiến việc nhận và trả kết quả trong quy trình thực hiện các hồ sơ liên quan đến chế độ chính sách đối với người lao động.

Cụ thể: Đa dạng hóa nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hồ sơ bản giấy giữa Cơ quan Bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả cũng như tiến độ giao nhận tài liệu, nâng cao hiệu quả công việc.

Một CNLĐ nêu kiến nghị: "Hiện nay, tình trạng người lao động xin rút để hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người lao động, gia đình và các chính sách an sinh xã hội. Rất mong lãnh đạo Thành phố cho biết những chỉ đạo của Thành phố nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng như hiện nay".

Trực tiếp giải đáp kiến nghị về vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: Hiện nay, Cơ quan Bảo hiểm xã hội có giao nhận hồ sơ với các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Bảo hiểm xã hội Thành phố đã ký hợp đồng với Bưu điện Hà Nội về việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và chi phí do Cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả nhằm giảm chi phí, thời gian cho đơn vị, doanh nghiệp, người lao động khi giao dịch với Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh: "Phấn đấu để đời sống người lao động an và yên"
Tặng quà cho 50 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp “Tháng Công nhân”.

Với đơn vị sử dụng công lập chỉ cần đăng ký có hồ sơ gửi đến Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cơ quan sẽ tổ chức trả tại trụ ở đơn vị sử dụng lao động, đơn vị hoàn toàn không mất đồng phí nào. Về hồ sơ điện tử, Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện 95% thủ tục điện tử cũng không phát sinh phí. Đối với hồ sơ giao nhận với người lao động hầu như cũng không có hồ sơ giấy.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, người lao động cũng kiến nghị về việc chăm sóc sức khỏe, y tế, Bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp... Những vấn đề này đều được đại diện các sở - ngành của thành phố, trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giải đáp, trao đổi.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tặng quà cho 50 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp “Tháng Công nhân”.

Vũ Cường
Phiên bản di động