Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, các sở, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Vĩnh Phúc: Tiếp nhận hơn 7 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 1 tấn thuốc tài trợ phòng chống lụt bão Vĩnh Phúc muốn Samsung E&A quan tâm các dự án cấp nước sạch và xử lý nước thải
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị.

Ngày 19/9, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc, chi nhánh Bình Xuyên và chi nhánh Phúc Yên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Dự hội nghị có đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Xuất phát từ thực tiễn khách quan và yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường để tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trong 8 tháng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp với hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức 2 hội nghị kết nối nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.

Thông qua các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho vay mới và cho vay cơ cấu lại đối với 1.450 doanh nghiệp với dư nợ đạt 19.800 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 8/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh đạt 126.238 tỷ đồng, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm 2023; tổng dư nợ cho vay đạt 134.602 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng đối với hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2024, tổng dư nợ 3 chi nhánh trên địa bàn tỉnh đạt 25.340 tỷ đồng, tăng trưởng 1.419 tỷ đồng so với cuối năm 2023 với tỷ lệ tăng trưởng đạt 5,93%, lớn hơn mức tăng chung của địa bàn là 5,03 %.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông tặng hoa chúc mừng hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông tặng hoa chúc mừng hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã phân tích, làm rõ kết quả đạt được; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Đánh giá cao tầm quan trọng và sự cần thiết của Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời chủ động rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng trong khuôn khổ pháp luật quy định.

Cùng với đó, chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tập trung tối đa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt đói vốn.

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu, bảo đảm số liệu khách quan, thực chất; tiếp tục tăng cường công tác xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của doanh nghiệp.

Lê Sơn
Phiên bản di động