Chủ tịch Tập đoàn IPPG hé mở kế hoạch đầu tư mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, Tập đoàn IPPG đang làm việc với Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 trung tâm chăm sóc sức khỏe tế bào gốc công nghệ mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng.
Tập đoàn IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu năm 2022 "Vua hàng hiệu" IPPG thu gần 3.700 tỷ đồng từ mảng thời trang

Thông tin này được ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 15/3.

Tại hội nghị, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chia sẻ về những giải pháp để phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Theo Chủ tịch Tập đoàn IPPG, tầm quan trọng của chuỗi liên kết giá trị du lịch. Trước đây kinh doanh du lịch thường quan tâm đến việc sẽ được hưởng lợi gì thì nay để thành công thường nhắc đến chuỗi liên kết sẽ được hưởng lợi gì. Mô hình chuỗi giá trị du lịch gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, công nghệ sáng tạo, tài nguyên du lịch, giải trí, tham quan mua sắm và các dịch vụ khác đã được đề xuất.

Để có thể phát triển toàn bộ mô hình chuỗi giá trị du lịch trên vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng, kết nối, điều phối và tạo điều kiện cho các thành phần tham gia cùng phát triển.

"Vì vậy, tôi đề xuất Chính phủ nghiên cứu chủ trì phát động chiến dịch trên tương tự Thái Lan. Năm 2022, Thái Lan áp dụng chiến lược này và đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Chủ tịch Tập đoàn IPPG hé mở kế hoạch đầu tư mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng
Chủ tịch Tập đoàn IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn phat biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đại diện Tập đoàn IPPG cho rằng, tiềm năng du lịch mua sắm, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng sức khỏe và các mô hình khác là rất lớn. Theo thống kê từ World Data, trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á về cơ bản giữ được doanh thu bình quân từ chi tiêu của khách du lịch.

Vì vậy làm như thế nào để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch, vừa tăng trưởng chi tiêu của khách. Theo các chuyên gia, du lịch mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng sức khỏe về cơ bản là chìa khóa để góp phần tăng trưởng kinh tế do đó cần làm phong phú dịch vụ này để khách có cơ hội tiêu tiền thậm chí mua hết số tiền và muốn mua sắm tiếp.

"Chúng ta nên nghiên cứu mô hình tại Singapore và Hải Nam (Trung Quốc) đã rất thành công với mô hình này", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Với hơn 38 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn IPPG cũng đề xuất một số giải pháp đầu tư để góp phần phát triển các mảng còn thiếu của dịch vụ du lịch.

Theo đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng cần phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế. Đây là loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh và mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch.

"Chúng tôi đang làm việc với Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 trung tâm chăm sóc sức khỏe tế bào gốc công nghệ mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Đồng thời, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề xuất đầu tư xây dựng trung tâm Outlet (hàng giảm giá, tồn kho). Hầu hết các nước đều có mô hình này, giảm giá từ 50 - 90% để tăng chi tiêu mua sắm.

Theo đại diện Tập đoàn IPPG, Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2019 về quy chế hoạt động kinh doanh ngành miễn thuế chưa tính các hoạt động thương mại mua sắm dịch vụ, giải trí phục vụ ngành du lịch. Với tốc độ số hóa dữ liệu dân cư và áp dụng các công nghệ phần mềm hiện đại nối mạng trực tiếp với hải quan thì có thể kiểm soát để đảm bảo việc tuân thủ bán hàng miễn thuế.

Khi có hạn mức mua sắm miễn thuế cho du khách nội địa cũng sẽ không ảnh hưởng đến thị trường trong nước ngược lại sẽ phát triển cộng hưởng với các dịch vụ khác. Đây là sự bổ sung cần thiết để ngành du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác. Do đó, Chính phủ sớm quan tâm sớm ban hành các chính sách liên quan để các mô hình này có thể được triển khai và đi vào vận hành.

Mô hình các cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng, mới chỉ tập trung ở các sân bay. Các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng tại các cửa hảng miễn thuế không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và các thương hiệu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới. Hệ thống các cửa hàng miễn thuế sẽ giúp giải bài toán cho các công ty lữ hành có thể cạnh tranh lại giá tour vì họ được bù trừ tiền bằng tiền doanh thu hoa hồng khi công ty kinh doanh miễn thuế chi cho du khách mua sắm tại đây.

Đối với mô hình dịch vụ vui chơi giải trí, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng cần lựa chọn nhà đầu tư có năng lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, casino và các công viên thương hiệu được nhận diện trên toàn thế giới sẽ thu hút nguồn khách quốc tế rất lớn và tăng trưởng tương tự như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc. Nhật Bản.

Về việc đầu tư hệ thống hoàn thuế VAT - một trong những giải pháp nâng cao trải nghiệm của du khách quốc tế là đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nếu có chính sách phù hợp chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác để hỗ trợ lắp đặt các hệ thống này cho các cơ quan chức năng trên toàn quốc. Bên cạnh đó cần đầu tư hạ tầng sân bay để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du lịch hiện nay.

"Chúng tôi tin tưởng nếu có những chiến lược, chính sách sẵn sàng thì không chỉ số lượng du khách nội địa mà du khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng nhanh hơn. Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ chúng ta sẽ có những chính sách đột phá để phát triển du lịch nhanh và bền vững trong thời gian tới", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Hậu Lộc
Phiên bản di động