"Vua hàng hiệu" IPPG thu gần 3.700 tỷ đồng từ mảng thời trang
Thành công của IPPG là đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế - xã hội nước nhà! CEO IPPG: Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cơ hội "ngàn năm có một" |
Tập đoàn IPPG của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vừa công bố các số liệu tài chính cho thấy bức tranh kinh doanh rất tích cực, đặc biệt là mảng thời trang khi được mệnh danh là "Vua hàng hiệu".
Theo đó, doanh thu mảng thời trang của Tập đoàn IPPG trong 9 tháng năm 2022 đạt 3.692 tỷ đồng, tăng kỷ lục 97,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và đạt mức tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước dịch bệnh.
Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) 9 tháng năm 2022 đạt 492,4 tỷ đồng, tăng 110,6% so với cùng thời điểm này năm 2019.
Điều này tạo ra dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh khỏe mạnh và ổn định, trong bối cảnh các nguồn tiền từ hoạt động vay đang có mức lãi suất tăng cao.
Trong 9 tháng năm 2022, mảng thời trang mang lại 379,3 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn IPPG. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng năm nay cũng đạt mức cao kỷ lục 10,3%, cao nhất trong 4 năm qua từ năm 2019.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của mảng thời trang của Tập đoàn IPPG. |
Lãnh đạo mảng thời trang cao cấp của Tập đoàn IPPG Tiên Nguyễn cho biết, đây là một kết quả đáng tự hào, bất chấp khó khăn kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Được biết, Tập đoàn IPPG thông qua 2 công ty thành viên Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) đang làm phân phối độc quyền tại Việt Nam hơn 100 thương hiệu như Rolex, Cartier Dolce Gabbana, Nike, Mango... Mảng kinh doanh hàng hiệu này đóng góp hơn 35% doanh thu của cả tập đoàn.
Theo tiết lộ của đại diện IPPG, song song với việc mở rộng thêm thương hiệu và cửa hàng phân khúc cao cấp và trung cấp, tập đoàn còn đầu tư cho các dự án chuyển đổi số để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, đa dạng hóa kênh bán hàng cũng như phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu người dùng.
Trong đó, Tập đoàn IPPG có trang thương mại điện tử cho phân khúc hàng xa xỉ, hàng trung cấp, hệ thống báo cáo tự động thông minh; hệ thống kiểm kê hàng tồn kho tự động bằng công nghệ RFID; hệ thống retail-tainment phân tích dữ liệu đề phục vụ khách hàng và hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng với phần mềm CRM - Salesforce.
Ngoài ra, công ty thành viên DAFC đã đưa về hai thương hiệu Montblanc và Christian Louboutin năm 2021. Cùng với đó, ACFC cũng vừa đàm phán thành công hợp đồng phân phối thương hiệu lâu đời đến từ Mỹ Polo Ralph Lauren, dự kiến sẽ có hơn 10 cửa hàng trong 2 năm tới.
Một công ty khác của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng có kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng năm 2022.
Theo đó, trong 9 tháng năm 2022, Sasco ghi nhận doanh thu 841 tỷ đồng, tăng 224% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận ròng đạt mức 121 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vừa đủ thoát lỗ trong bối cảnh dịch bệnh.
Chỉ tính riêng quý III/2022, doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đạt doanh thu thuần hơn 414 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 216 tỷ đồng, cao gấp 7 lần và 9 lần cùng kỳ năm trước, khi biên lợi nhuận tăng mạnh. Nếu cùng kỳ 100 đồng doanh thu mang về 40 đồng lãi gộp thì quý III/2022, con số này lên tới 52 đồng. Kết quả, Sasco ghi nhận lãi ròng 35 tỷ đồng, gấp gần 17 lần cùng kỳ năm ngoái.