Chủ động vượt khó, nông nghiệp tỉnh Hải Dương đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2021
Tỉnh đoàn Hải Dương: Xây dựng Đoàn vững mạnh về tổ chức Cam Thất Hùng (Hải Dương) nức tiếng khắp cả nước bởi vị ngon, ngọt Hải Dương sắp có thêm hàng loạt khu đô thị, điểm dân cư |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương,sản xuất nông nghiệp trong năm 2021 phát triển, tăng trưởng tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nhiều nội dung đã tạo sự đột phá.
Trong đó,cơ cấu trà lúa, giống lúa và phương thức gieo cấy có sự chuyển biến tích cực; Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát; Nuôi trồng thủy sản được duy trì, giữ ổn định. Công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực quản lý của ngành có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai được duy trì, thực hiện tốt đảm bảo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh...
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành vào cuộc tích cực, tạo sự chủ động trong quá trình triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh. Công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản được quan tâm, thực hiện tốt nên việc tiêu thụ cơ bản đảm bảo, không có hiện tượng ế thừa. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm trong tất cả các lĩnh vực của ngành.
Những kết quả đạt được đã khẳng định nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương đã và đang đi đúng hướng, những giải pháp đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Và trong năm 2021, 10 nội dung công việc mà ngành NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã tạo được dấu ấn đậm nét.
Một là, đột phá tăng trưởng về sản xuất nông, lâm, thủy sản: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 (giá so sánh 2010) ước đạt 20.308 tỷ đồng, đạt 103,35% so kế hoạch, tăng 6,9% so với năm 2020 và đứng thứ 2 toàn quốc.
Hai là, thắng lợi trong chỉ đạo sản xuất cây vụ Đông năm 2020 - 2021. Giá trị sản xuất đạt 3.488 tỷ đồng tăng 8,7 %, cao nhất toàn quốc. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 62,93 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Ba là, tham mưu triển khai thành công Chương trình “Kết nối trái tim, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19”: Kết nối hỗ trợ tiêu thụ gần 180.000 tấn rau, quả vụ Đông, 1,8 triệu gà đồi Chí Linh bị ảnh hưởng do đợt dịch COVID-19 bùng phát ngày 27/1/2021; Tạo cao trào truyền thông trong và ngoài tỉnh về nông sản Hải Dương.
Chương trình huy động được gần 3,1 tỷ đồng tiền mặt và gần 1,9 tỷ đồng bằng trị giá hàng hóa, nhu yếu phẩm; tặng hơn 14.000 suất quà trị giá hơn 3 tỷ đồng và số hàng hóa, nhu yếu phẩm đã tiếp nhận, chuyển đến tay người dân, công nhân khó khăn trong khu phong tỏa; trao 100 suất quà cho gia đình chính sách trong khu phong tỏa trong dịp Tết Nguyên đán.
Bốn là, xúc tiến thương mại nông sản được đẩy mạnh với cách làm sáng tạo: Tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Kết nối - Xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản tỉnh Hải Dương; Lễ Hội mở vườn vải năm 2021; Mở các điểm kết nối, tiêu thụ nông sản tại các thành phố lớn gắn với truyền thông công nghệ; Tổ chức hàng loạt hội nghị, diễn đàn trực tuyển kết nối cung cầu nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP; Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử…
Năm là, tích cực hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ thủy sản do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, với hơn 30 thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, lượng hỗ trợ tiêu thụ đạt gần 2.000 tấn.
Sáu là, bước đầu tạo sự bứt phá trong chuyển đổi số, như: ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh tự động hóa trong chăm sóc, giám sát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; thực hiện ứng dụng phần mềm số hóa hồ sơ, dữ liệu lưu trữ cơ quan; nâng cấp trang thông tin điện tử của ngành…
Bảy là, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030. (Được phê duyệt sớm nhất trong các đề án mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra).
Tám là, tham mưu triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương; Đề án OCOP; Đề án mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy.
Chín là, chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng quy hoạch vùng huyện, trong đó quy hoạch các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Mười là, 100% các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tiến tới năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 20.917 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021 (20.308 tỷ đồng); Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 185 triệu đồng, tăng 2,5% so với năm 2021; Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 150.000 ha; Tổng đàn lợn đạt 430.000 con, tăng 16,8% so với năm 2021; Tổng đàn gia cầm đạt 15,8 triệu con, tăng 4% so với năm 202; Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 71.000 tấ; Tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 70.000 tấn; Sản lượng thủy sản đạt 99.000 tấn và Có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được những mục tiêu trên, Sở NN&PTNT đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, Sở NN&PTNT tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Hải Dương bứt phá về giá trị và xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại, tạo nền tảng phát triển tỉnh Hải Dương theo hướng “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số”;
Công cuộc đổi mới, thay đổi tư duy theo hướng từ sản xuất nông nghiệp sang hướng phát triển kinh tế nông nghiệp để hướng tới giá trị “xanh” trong sản xuất và tiêu dùng; Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng và hạn chế tình trạng tổn thất sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản, sản phẩm nông nghiệp;Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, hợp tác xã và người nông dân để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Tăng cường xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận...
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. |
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết: "Năm vừa qua mặc dù do ảnh hưởng của COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản bà con nông dân, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn đạt được rất nhiều thành tựu. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm qua đạt 8,6%, đứng cao thứ 2 toàn quốc.
Đặc biệt là sản xuất vụ đông của Hải Dương có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn quốc.
Có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch vào chiến lược cho phát triển nông nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Chúng tôi mời các doanh nghiệp đến họp bàn và tìm hiểu các nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã định hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Do đó, khi các chuỗi cung ứng đứt gãy nhưng những mối liên kết đã có rất là tốt nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi
Cùng với chỉ đạo cũng như kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên năng suất và chất lượng của nông sản tỉnh Hải Dương những năm vừa rồi rất là tốt.
Các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm hay rào cản kỹ thuật, chúng tôi tập trung giải quyết. Đó chính là việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo thị trường mục tiêu. Sau khi đã tiêu chuẩn hóa, cấp mã số chứng nhận thì sản phẩn nông sản tỉnh Hải Dương đã được tiêu thụ rất là thuận lợi ngoài thị trường truyền thống thì mở rộng các thị trường kinh tế cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay châu Âu...".