Chủ động hỗ trợ người lao động mất việc làm dịp cuối năm

Dịp cuối năm, nhiều lao động bị ảnh hưởng việc làm (chủ yếu ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử). Tuy nhiên trong khoảng thời gian ngắn vừa qua có rất nhiều lao động tìm được việc làm mới.
Hà Nội: Dành 74 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn dịp Tết Gần 36,5 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP Giúp người lao động “tạm gác hết những âu lo”

Biến động về lao động mới được cải thiện

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại một số địa phương cho thấy, hiện nay, tình trạng công nhân thiếu hoặc mất việc làm đã diễn ra và có xu hướng tăng.

Tại Nam Định, đã có hơn 5.500 công nhân bị mất việc; Vĩnh Long có 9 doanh nghiệp cho hơn 7.400 công nhân ngừng việc và hơn 1.500 người mất việc làm. Bến Tre dự kiến trong 3 tháng tới sẽ có hơn 2.000 công nhân bị cắt giảm. Từ tháng 6 tới nay, tại Long An có hơn 1.300 công nhân mất việc làm; trong khi, Tây Ninh có hơn 43.500 công nhân bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong đó, có hơn 1.300 công nhân mất việc.

Tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay, số lao động bị tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người, khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Riêng số lao động thất nghiệp, được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9/2022 là khoảng 70.000 người. Người lao động (NLĐ) bị tạm dừng hợp đồng hoặc cắt giảm giờ làm chủ yếu thuộc khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Chủ động hỗ trợ người lao động mất việc làm dịp cuối năm
Nhiều lao động trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử... bị tạm ngưng hợp đồng dịp nửa cuối năm

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp (với khoảng 200.000 lao động) đang bị giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, da giày, điện tử chịu ảnh hưởng nặng nhất. Đến quý 3 và quý 4, một số doanh nghiệp lớn đã phải có phương án sắp xếp lại lao động. Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, khoảng 20.000 lao động bị doanh nghiệp cắt giảm. Một số doanh nghiệp đông lao động đã có kế hoạch thỏa thuận giảm thời gian làm việc (không hưởng lương).

Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó, có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.

Tuy nhiên, càng về cuối năm, con số này còn thay đổi liên tục khi krong khoảng thời gian ngắn vừa qua, cũng có rất nhiều lao động tìm được việc làm mới ở các doanh nghiệp khác do lượng đơn hàng được hồi phục và những doanh nghiệp đang thiếu lao động sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh tuyển dụng để kịp sản xuất đủ lượng hàng dịp Tết.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Tổng LĐLĐVN đã triển khai nhiều chương trình chăm lo cho NLĐ từ rất sớm. Chúng tôi đã có gói hỗ trợ cho những lao động khó khăn do bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Tổng LĐLĐVN sẽ trích kinh phí hỗ trợ công nhân bị cắt giảm việc làm, có hoàn cảnh khó khăn mỗi người một suất 500 nghìn đồng, dự kiến khoảng 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng nguồn hỗ trợ này.

Chủ động hỗ trợ người lao động mất việc làm dịp cuối năm
Nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động trong những tháng cuối năm đã được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đốc thúc chỉ đạo và thực hiện

Cùng với đó, trước thềm Tết Quý Mão, Công đoàn, Trung ương Đoàn cũng huy động doanh nghiệp hỗ trợ trên 5.000 phần quà Tết cho NLĐ khó khăn ở 11 tỉnh/thành phố. Mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng gồm 300 nghìn đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm.

Công đoàn cơ sở sẽ lập danh sách từng hoàn cảnh, lấy ý kiến NLĐ, không để phát sinh thủ tục rườm rà.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn sẽ tổ chức các chương trình Tết cho NLĐ như: Tết sum vầy, Xuân yêu thương… khi mà họ không có điều kiện để về quê, cố gắng giữ chân NLĐ ở địa phương để họ tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp, đưa đón NLĐ về quê hay trở lại doanh nghiệp dịp Tết…

Tổng LĐLĐVN cũng đã và đang tích cực tìm các biện pháp tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho NLĐ. Thông qua sự liên kết của các công đoàn cơ sở để tìm việc làm mới cho NLĐ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang nghiên cứu và đề xuất hỗ trợ một lần cho NLĐ bị chấm dứt hợp đồng chưa tìm kiếm được việc làm với mức 3 triệu đồng/người; hỗ trợ một lần cho NLĐ thuộc diện tạm chấm dứt hợp đồng với mức khoảng 2 triệu đồng/người. Những NLĐ bị cắt giảm việc làm nhưng có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ.

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hôm 27/12, sau khi thông báo về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong năm 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nhiều DN, nhà máy phải giãn việc, cho NLĐ nghỉ việc do không có đơn hàng. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho NLĐ phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày do đơn hàng xuất khẩu giảm.

Khánh Khoa
Phiên bản di động