Chống dịch, chống cả những "con virus bàn phím"

TTTĐ - Thành phố Hà Nội đã phân vùng và tiếp tục thực hiện giãn cách để phòng chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên có không ít “anh hùng bàn phím” chỉ ngồi trước màn hình máy tính và nêu ý kiến chủ quan khiến người dân hoang mang. Nhiều bạn trẻ đã bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này.
Kiểm soát chặt người ra đường, huy động Nhân dân vào cuộc theo mô hình tự quản Hà Nội bước vào "trận chiến" mới, vững tin chống dịch

Bạn Nguyễn Thị Phương Thùy (20 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội):

Đừng gõ phím, hãy hành động

Bạn Nguyễn Thị Phương Thuỳ đồng tình với việc giãn cách tiếp để phòng chống dịch hiệu quả
Bạn Nguyễn Thị Phương Thùy đồng tình với việc giãn cách tiếp để phòng chống dịch hiệu quả

Mình đã ở nhà theo quy định của thành phố từ mấy tháng nay. Dù hơi buồn do không được đi học hay ra ngoài gặp mọi người nhưng vì sự an toàn của bản thân cũng như gia đình và cả cộng đồng mình ủng hộ giãn cách tiếp. Thành phố cần phải thực hiện nghiêm để truy vết, tách hẳn các ca F0 trong cộng đồng.

Vài ngày nay, các ca F0 trong cộng đồng đã giảm, như vậy cho thấy, công cuộc phòng chống dịch của thành phố Hà Nội đã rất nỗ lực. Chỉ cần mọi người đồng thuận và cùng nhau nêu cao ý thức phòng chống dịch thêm một thời gian nữa thì chúng ta sẽ sớm được trở lai cuộc sống bình thường.

Kinh nghiệm trên toàn thế giới cho thấy, chỉ vì chủ quan, dịch Covid-19 sẽ bùng phát rất nhanh. Ngay cả những quốc gia phát triển, tỷ lệ tử vong cũng rất cao, vì thế không vì bất cứ lý do gì chúng ta sơ hở và lơ là cảnh giác được.

Mình đọc báo thấy nhiều người rất vô ý thức, ra ngoài đường vì những lý do không cần thiết. Trong điều kiện này ai cũng khó khăn nhưng mỗi người cố gắng một chút thì mới nhanh hết dịch bệnh.

Theo dõi mạng xã hội vài hôm nay, mình cũng thấy có nhiều “anh hùng bán phím”, cứ ngồi nhà tay gõ bàn phím nhanh hơn suy nghĩ về việc thành phố tăng thời gian giãn cách xã hội. Mình nghĩ, nếu không tăng thời gian giãn cách để đẩy lùi dịch bệnh thì sau này sẽ phức tạp, khó khống chế. Lúc đó, không chỉ ở nhà 2 tháng, có khi còn lâu hơn mà thêm thiệt hại về người, về của.

Vì thế, mình nghĩ mọi người hãy chung sức, đồng lòng cùng thành phố phòng chống dịch, thực hiện nghiêm chỉ đạo giãn cách để dịch bệnh sớm được đẩy lui. Đó mới là sự thông minh nhất cho bản thân và cộng đồng lúc này.

Chị Nguyễn Thu Phương, Bí thư Đoàn phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội):

Đừng làm lây lan những suy nghĩ tiêu cực

Chị Nguyễn Thu Phương, Bí thư Đoàn phường Ba Đình trao tặng như yếu phẩm đến người khó khăn
Chị Nguyễn Thu Phương, Bí thư Đoàn phường Ba Đình trao tặng như yếu phẩm đến người khó khăn

Suốt thời gian qua, cả hệ thống chính trị cùng người dân Thủ đô quyết tâm, đồng lòng chống dịch và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Hiện nay, thành phố đã phân vùng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đây là chủ trương đúng đắn và cần sự chung sức của toàn dân để hoàn thành các mục tiêu trên.

Đồng lòng cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, tôi cũng như đoàn viên, thanh niên phường luôn chấp hành nghiêm các quy định. Đặc biệt, tuổi trẻ trong phường tham gia tất cả các hoạt động, nhiệm vụ phòng chống dịch như: Hỗ trợ điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; Hỗ trợ điểm lấy mẫu xét nghiệm, tham gia trực chốt phòng chống dịch.

Đoàn Thanh niên tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho đời sống Nhân dân trên địa bàn phường; Hỗ trợ thêm các hộ gia đình khó khăn về nhu yếu phẩm để tiếp tục thực hiện giãn cách. Những hoạt động tuổi trẻ trong phường triển khai cũng đã nhận được sự ủng hộ, ghi nhận của hệ thống chính trị tại cơ sở và Nhân dân trên địa bàn.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, việc chúng ta cần làm là thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân với hành động cụ thể như: Chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội, lan tỏa những hành động đẹp, đấu tranh với những hành vi tiêu cực.

Thậm chí, mỗi người phải tự hy sinh những mong muốn cá nhân, học cách suy nghĩ tích cực, không phát ngôn kích động hoặc làm lây lan sự lo lắng cho những người xung quanh... Có như thế, chúng ta mới sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Anh Đỗ Đình Toàn (ở quận Hà Đông, Hà Nội):

Phương án sáng tạo trong tình hình hiện nay

Anh Đỗ Đình Toàn
Anh Đỗ Đình Toàn

Mình được biết từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9, thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo 3 vùng “đỏ, cam, xanh”.

Trong đó, vùng 1 tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Vùng 2 thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt.

Vùng 3 thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.

Mình cho rằng, Hà Nội phân theo 3 vùng như vậy sẽ tận dụng lợi thế địa lý, đặc điểm tình hình từng địa phương, từ đó vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch vừa có thể duy trì sản xuất.

Vẫn biết rằng dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đã phải thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài, kéo theo việc ngừng trệ kinh tế, người dân càng khó khăn nhưng không vì thế mà chủ quan lơ là dẫn đến hậu quả khôn lường.

Vì thế, mình cho rằng, thành phố siết chặt hơn nữa “vùng đỏ” và kiểm soát chặt chẽ “vùng cam”, “vùng xanh” để duy trì song song vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; Tập trung nhân vật lực để phòng, chống dịch ở khu vực nguy cơ cao… là phương án sáng tạo trong tình hình hiện nay.

Bạn Trần Bảo Anh (21 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Học làm điều có ích thay vì ngồi gõ phím

Trần Bảo Anh
Bạn trẻ Trần Bảo Anh

Khi cả nước đang gồng mình, căng sức chống dịch thì lại có những người "chăm chăm nhìn vào những bất cập" để bóp méo, xuyên tạc và thậm chí tuyên truyền tiêu cực những thông tin, chủ trương của chính quyền. Mình thực sự thất vọng trước suy nghĩ và ý thức của những người này.

Thay vì núp sau bàn phím, bạn hãy chứng minh sự tài giỏi của mình bằng cách hoặc hiến kế, hoặc hành động thiết thực, làm điều gì đó cho đất nước.

Chúng ta đều biết, cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dài, lại chưa từng có trong tiền lệ, chính quyền hay Nhân dân đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉnh sửa để phù hợp. Tuyến đầu chống dịch đã vất vả đêm ngày nên bạn đừng vì bất cứ lý do nào biến mình thành "con virut trên bàn phím" lây lan những điều tiêu cực, kéo tụt lùi công cuộc chống dịch đang còn hết sức cam go..

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động