Tận tâm, kiệt sức và cuộc sống bề bộn trong các tâm dịch COVID-19 hiện nay:

Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào

Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng đang “oằn mình” chống chọi những đợt tấn công của dịch Covid-19. Những chiến sĩ áo trắng đang làm việc với 200-300% sức lực để đuổi kịp tốc độ lan truyền của virus. Trong cuộc chiến này, có không ít những đứa trẻ bơ vơ như chim lạc bầy trong khu cách ly. Những bà mẹ ngày đêm căng ngực sữa, thương con rời mẹ chưa hẹn ngày trở về. Những công nhân tại các khu công nghiệp bất lực, sống tằn tiện qua ngày với những gói mì tôm trong xóm trọ. Hàng trăm con người đang ở cùng một chiến tuyến nóng bỏng, chỉ cầu mong hai chữ “bình thường” giản dị vốn có của ngày xưa.
Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang)

“Em chỉ thèm một bữa cơm gia đình”

Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch từ ngày 9-10/5. Hàng trăm nghìn công nhân tại đây sau khi được lấy mẫu xét nghiệm đều rơi vào trạng thái, hoặc đang cách ly y tế, hoặc cách ly tập trung. Họ được yêu cầu "ở yên tại chỗ" để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Nghỉ làm không lương, cuộc sống công nhân vốn đã khó khăn lại càng thêm eo hẹp. Tiền không có, lương thực không đủ, thứ mà họ nuôi sống nhau qua ngày là mì tôm. Hôm nào sang thì thêm tí rau quả trứng, không thì mì “không người lái” mà thôi. Chị em nào chăm chỉ nấu cơm thì ăn cơm với cá khô trường kỳ.

Nhiều người muốn trở về quê, nhưng mắc kẹt tại Việt Yên này. Một phần họ lo ngại làm việc trong môi trường chung, tiếp xúc nhiều người, có thể đã nhiễm bệnh mà không biết. Nên có những người chọn cách ở lại, để tránh lây nhiễm cho gia đình, con cái.

Là một trong số những công nhân của Công ty Crystal Martin đang bị cách ly tập trung tại Nhà nghỉ Ngọc Dương (KCN Quang Châu), anh Trần Văn Tiến (27 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, anh đang rất lo lắng vì trong số hàng chục công nhân đang bị cách ly tại đây chưa rõ ai là F1, ai là F2… Khu vực nhà nghỉ nơi anh Tiến đang cách ly có trên 50 người, nằm ngay cạnh Công ty Hosiden. Hàng ngày họ phải ở trong nhà nghỉ 24/24h, chỉ được đi ra ngoài khi có đoàn cứu trợ, thiện nguyện đến cấp phát lương thực và phải có sự đồng ý của lực lượng chức năng.

Tiến kể, nhiều ngày qua, anh và các đồng nghiệp chỉ ăn mì gói, nhà nghỉ không nấu cơm mà mọi người cũng không thể ra ngoài để ăn cơm được. Hàng ngày chỉ có món mì tôm ăn với rau hoặc nếu không còn rau thì chỉ ăn mì tôm chay, rất nóng và xót ruột. Hỏi Tiến, giờ em mong ước điều gì nhất, Tiến vừa nhìn xa xăm vô định vừa nói: “Em chỉ thèm bữa cơm gia đình. Em chỉ mơ ước cuộc sống trở về bình thường như xưa”.

Là một trong những công nhân của KCN Vân Trung bị mắc kẹt 13 ngày nay tại thôn My Điền (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chị Minh sốt ruột không biết bao giờ tình trạng này mới chấm dứt. Khu nhà trọ chị Minh ở hiện có rất nhiều công nhân tự cách ly nhưng mỗi người ở 1 phòng và quê quán khác nhau nên chị không quen biết ai. Chỉ khi hết lương thực hoặc có thông báo từ lực lượng chức năng chị mới đi ra ngoài.

Cũng như Minh, hai tuần qua, những người cách ly tại đây chỉ làm bạn với điện thoại và 4 bức tường. Khó khăn nhất là nhu yếu phẩm ngày càng khan hiếm vì các tiệm tạp hóa đóng cửa. “Tôi và công nhân trong xóm trọ chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ ở bên ngoài. Mỗi lần nhận được 1-2 kg gạo, 1 mớ rau xanh, trứng hay gói mì tôm là vui lắm rồi. Hai tuần qua tôi chỉ có ăn cơm với cá khô. Bữa sáng nhịn, trưa dậy nấu cơm, rang cá, tối nấu thêm bát canh để ăn qua ngày. Không được ăn uống đầy đủ chắc chắn sẽ sút cân rồi nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều công nhân khác, những người trước đó không nấu ăn ở phòng, khi dịch bệnh đến, họ chỉ có mì tôm để ăn thôi", chị Minh kể.

Cũng như Tiến, Minh, hiện có hàng chục nghìn người ở các tỉnh, thành phố khác mắc kẹt tại Bắc Giang trong những tuần qua. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đang cách ly hơn 70.000 người; Bắc Giang cũng đang phải dừng sản xuất 4 KCN, cách ly 13.000 người trong khu cách ly tập trung, giãn cách xã hội hơn 71.000 công nhân của 57 tỉnh, thành phố và nhiều người dân khác cũng đang phải sinh sống trong vùng cách ly, phong toả.

Để hỗ trợ hơn 100.000 công nhân đang mắc kẹt tại Bắc Giang và Bắc Ninh, cả nước đang chung tay ủng hộ, giúp đỡ người dân tại đây vượt qua khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ từ UBND tỉnh, từ các địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước, Bắc Giang vừa chính thức vận hành 10 siêu thị 0 đồng để hỗ trợ cho hàng chục công nhân tại 2 huyện Việt Yên và Yên Dũng.

Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
BS Nguyễn Hồng Hải - TTYT huyện Quế Võ cũng bị ngất sau khi lấy mẫy xét nghiệm cho người dân trên địa bàn huyện ngày 22/5 được đồng nghiệp chăm sóc.

Những chuyện rớt nước mắt trong khu cách ly

Xót xa nhất trong cuộc chiến này, chính là những đứa trẻ bị lạc cha, lạc mẹ ngay trong khu cách ly. Tại Hà Nam, mới đây, 24 cháu mầm non chỉ nhỉnh hơn 3 tuổi phải theo cô giáo đi cách ly tập trung. Những đứa trẻ lần đầu xa bố mẹ lâu ngày đầy bỡ ngỡ, khóc ré lên vì những đêm ngủ thiếu hơi bố mẹ. Nhưng vì công cuộc chống dịch, chúng buộc phải rời vòng tay người thân, ít nhất 14 ngày. Thương cảm không kém là những đứa trẻ mới 4-6 tuổi, một mình vác hành lý vào khu cách ly vì mắc Covid-19. Trước đó, cả gia đình những em nhỏ này cũng đã đi cách ly.

Sinh năm 2017, bệnh nhi N. (4 tuổi, trú tại xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, Bắc Giang) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hình ảnh một bé trai 4 tuổi chỉ nặng hơn chục cân, ngồi trên giường bệnh ôm khư khư hộp sữa cùng nhiều quà bánh gây sự xúc động lớn với cư dân mạng. Cả gia đình bé gồm ông, bà, bố và mẹ đều thuộc diện F1. Lúc đầu, bố cháu bé có xuống viện chăm sóc cháu nhưng do ông, bà của N. ở nhà gần 80 tuổi đã già, bà yếu liệt giường không có người trông nom nên bố cháu phải ở nhà chăm sóc. Sau đó vì lo cho N., mẹ cháu đã xin lên bệnh viện dã chiến để ở gần con. Mẹ của bệnh nhi cho biết, hiện tại sức khoẻ của con trai đã ổn định. Nhờ các bác sĩ tạo điều kiện, chị được sắp xếp ở cùng phòng với con để tiện chăm sóc bé.

Cũng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, hình ảnh bé T. (6 tuổi) với đôi mắt ngơ ngác khi một mình đi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 21/5 cũng khiến mọi người không cầm được nước mắt. Trước đó, ông nội bé có kết quả dương tính, tất cả thành viên gia đình được đưa đến khu cách ly tập trung. Sau đó mẹ và bà nội bé trở thành F0 nên đã được chuyển đến quân y ở Lạng Giang điều trị… Bố là F1 hiện đang cách ly tại Lạng Giang. Bệnh nhi và em gái tiếp tục ở khu cách ly tập trung tại trường. Tới ngày 20/5, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang để chờ kết quả. Ngày đầu vào bệnh viện, bé T. sợ hãi và khóc thét vì lần đầu tiên phải xa gia đình. Nhưng được các nhân viên y tế quan tâm, chăm sóc nên cháu đã ổn định hơn. Sau khi nhận kết quả, gia đình đã xin cho bé trai chuyển về chỗ mẹ để tiện chăm sóc, hai mẹ con hiện đang điều trị tại Lạng Giang...

Trong cuộc chiến này, còn có những đứa trẻ bơ vơ như chim lạc đàn, khi đã mất cha ngay trong những ngày khốc liệt nhất của đợt dịch. Ba đứa con của anh N.H.N (Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh) chỉ trong chốc lát mồ côi cha. Anh N. là ca bệnh tử vong thứ 37 tại Việt Nam vào ngày 16/5 vì mắc Covid-19 sau hơn 5 tháng trời điều trị bệnh chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông.

Ngày anh được công bố mắc Covid-19 (10/5), vợ con anh và anh chị em trong gia đình thành F1, phải đi cách ly tập trung. Vợ anh N. sau đó cũng có kết quả xét nghiệm dương tính và bệnh chuyển nặng nên được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Ngày anh trút hơi thở cuối cùng, bên cạnh anh không có một người thân. Vợ cũng mắc Covid-19, dù ở cùng bệnh viện nhưng không thể sang gặp chồng lần cuối, 3 con cách ly tập trung theo dì, không thể đến chia tay bố; bố mẹ anh đều đã mất, anh chị em họ hàng cũng đang đi cách ly.

Sau khi anh mất, con trai lớn của anh cũng mắc Covid-19 chuyển sang bệnh viện tỉnh điều trị. Hai bé gái con anh N. 9 và 5 tuổi vẫn còn rất ngây thơ, ngày ngày vui đùa với nhau trong khu cách ly cùng với dì. Chúng chưa cảm nhận hết nỗi đau mất bố và chưa biết, những ngày tới, cuộc sống của bốn mẹ con sẽ khó khăn chồng chất thế nào.

Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Các nhân viên y tế đặc biệt quan tâm đến cháu N. (SN 2017, trú tại xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, Bắc Giang), cả gia đình bé gồm ông, bà, bố và mẹ đều thuộc diện F1.

Những mệnh lệnh từ trái tim

Chỉ trong 28 ngày qua, Việt Nam đã ghi nhận 2.792 ca mắc mới, trong đó Bắc Giang chiếm gần một nửa với 1.399 ca bệnh ca bệnh. Tại Bắc Ninh, cuộc chiến cũng vô cùng cam go khi số ca mắc vẫn tăng từng ngày tới 533 ca bệnh. Bộ Y tế đang nỗ lực hỗ trợ hai địa phương này chống dịch.

Khắc nghiệt là những gì mà hàng trăm cán bộ chiến sĩ áo trắng phải gồng mình vượt qua những ngày qua. Thời tiết nóng trên 35 độ C, mặc bộ đồ bảo hộ cả ngày, không dám uống nước, những bữa ăn nguội ngắt ăn vội không có giờ giấc. Thế nhưng, mệt mỏi nhất là trong không khí hầm hập đầu hè, họ không được bật quạt, không được bật điều hòa để tránh lây lan virus.

Gần ba tuần qua, đã có nhiều chiến sĩ kiệt sức, sốc nhiệt, ngất. Có những giấc ngủ vội bên lề đường vào lúc 3-4h sáng vì đôi mắt không còn đủ tinh tường, thần kinh không còn đủ tỉnh táo sau nhiều ngày liên tiếp làm việc với cường độ 20/24 giờ.

Tại Bắc Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) sáng đèn cả ngày lẫn đêm suốt hai tuần qua. Những cán bộ y tế tại đây chưa bao giờ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt như lần này khi số F0 và F1 tăng lên từng ngày. Họ đã có nhiều đêm không được ngủ một giấc sâu, làm việc không ngơi tay phân loại mẫu bệnh phẩm từ các huyện gửi về. Còn nhân viên tại các trung tâm y tế huyện thay nhau đi lấy mẫu chỉ tranh thủ nghỉ ngơi chút lúc giao mẫu, rồi lại lên đường.

Tại phòng nhập số liệu, anh Đặng Đình Nguyên vẫn để dở hộp cơm nguội ngắt lúc 12 giờ đêm. Hai tuần qua, anh gần như thức trắng đêm, nếu có chỉ chợp mắt được một, hai giờ rồi lại làm việc. Anh Nguyên có nhiệm vụ phân chia mã hoá các mẫu bệnh phẩm trước khi đến khâu chạy xét nghiệm. Chị tổ trưởng cho biết, công việc này đỏi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nên nếu Nguyên không làm thì phòng xét nghiệm không có mẫu để chạy. Vì vậy, gần như Nguyên không được ngủ, có khi chỉ gục xuống bàn cho hết cơn rồi lại bị gọi dậy.

Tại phòng xét nghiệm Covid-19, các cán bộ y tế của trung tâm trong bộ đồ bảo hộ kín mít vẫn miệt mài làm việc cẩn thận, tỉ mẩn, tránh xảy ra những sai sót do nhầm mẫu hay trả nhầm kết quả. Những ngày này, không một ai có một giấc ngủ trọn vẹn. Họ miệt mài tận dụng thời gian, chắt chiu từng giờ, từng phút để thực hiện nhiệm vụ.

Bác sĩ Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm CDC Bắc Giang cho biết, ở đây anh em chia thành các ca để làm nhằm tạo điều kiện cho mọi người nghỉ ngơi. Nhưng thực tế, dù hết ca trực thì anh chị em vẫn ở lại hỗ trợ nhau thực hiện xét nghiệm và làm nhiều công việc bếp núc khác... Có người tan ca từ sớm nhưng phải đến 1 giờ đêm mới về nhà và hôm sau lại đến sớm…

Tại thành phố Điện Biên, những cán bộ áo trắng cũng phải nằm ngủ gục bên đường vào lúc 4-5 giờ sáng sau gần 3 ngày không được ngủ vì công việc khẩn trương vận chuyển các trường hợp F0 về bệnh viện dã chiến, vận chuyển F1 đi cách ly tập trung. Ở nhiều tỉnh thành khác, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng dốc những hơi thở mệt mỏi sau nhiều giờ làm việc kiệt sức, khuôn mặt hằn lên vết khẩu trang, những đôi bàn tay nhăn nheo, sũng nước sau nhiều giờ mang găng tay, mặc đồ bảo hộ… gây sự xúc động mạnh với cộng đồng thời gian qua. Chỉ có mệnh lệnh từ trái tim, vì sự bình an của cộng đồng, mới tiếp thêm cho họ sức mạnh để hoàn thành công việc với khối lượng khổng lồ trong thời gian ngắn.

Chiến tuyến nóng bỏng nhất, thành trì điều trị bệnh nhân Covid-19 - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bước sang ngày cách ly y tế thứ 20. Sự khốc liệt của lần dịch này khiến cho những người mẹ phải xa con khi con còn đỏ hỏn, những người con đau đớn tận tâm can khi không thể về gặp mẹ lần cuối trong đời, nuốt nước mắt bái vọng mẹ trong khu cách ly…

Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Một nhân viên y tế mệt lả khi lấy mẫu tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh

Ngày 14/5, khi những cán bộ áo trắng tại đây cúi đầu bất lực trước hai ca tử vong đầu tiên của đợt dịch này, thì họ cũng chứng kiến một nỗi đau khác của hai đồng nghiệp đang sát cánh cùng họ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Hai vợ chồng là cán bộ y tế, một người làm vòng trong điều trị bệnh nhân Covid-19, một người vòng ngoài hỗ trợ đã phải nén chặt nỗi đau khi không thể về để nhìn mặt mẹ lần cuối. Người mẹ sau vài năm chống chọi với bệnh trọng đã trút hơi thở cuối cùng. Những ngày tang lễ cho mẹ là những ngày hai vợ chồng anh chị vẫn đang phải hối hả điều trị cho bệnh nhân.

Chỉ một tuần sau đó, một nữ đồng nghiệp khác cũng không kịp về Thanh Hóa để chịu tang mẹ chồng. Khi biết tin mẹ mất, cũng là lúc gia đình cán bộ y tế này chia 3 ngả. Con cái còn nhỏ được gửi người thân, chỉ có chồng chị may mắn về quê chịu tang trước khi có quyết định cách ly phòng dịch. Còn chị, vẫn trong khu cách ly, không được nhìn mẹ chồng lần cuối. Đại diện bệnh viện, cũng không thể đến chia buồn cùng gia đình bởi Thanh Hóa (quê chồng) đã có lệnh cách ly những người về từ vùng dịch từ 21/5/2021.

Trong cuộc chiến tại tâm dịch này, có nhiều người mẹ đã khóc thầm lặng lẽ thương con tới đứt ruột đứt gan. Với những cán bộ áo trắng đang nuôi con nhỏ, nỗi sợ hãi và chán chường nằm ngoài tiềm thức vì họ quá bận rộn. Mỗi bước chân là bước chạy để kịp với guồng công việc. Nỗi buồn chỉ ập đến khi màn đêm buông xuống, khi nỗi nhớ con trào lên khóe mắt, khi sữa cứ tràn về, căng tức cả bầu ngực.

Lặng ngắm những đứa trẻ thèm sữa mẹ, khóc ngằn ngặt cả đêm, nữ điều dưỡng D. nuốt nước mắt vào trong. Chị nhận lệnh ở lại bệnh viện khi con mới 10 tháng tuổi, chưa kịp cai sữa. Đứa trẻ thèm hơi mẹ khóc suốt ngày đêm trên vai bà nội.

Cuộc chiến Covid-19 thật sự ngày càng trở nên khốc liệt. Đợt dịch sau căng thẳng, thách thức và khó khăn hơn những đợt dịch trước. Khoảng cách đến gần sự bình yên còn rất xa khi việc khống chế Covid-19 vẫn đang là bài toán chưa có lời giải với cả thế giới. Chỉ có trách nhiệm, kiên nhẫn và yêu thương, các chiến sĩ áo trắng mới thật sự có thể trụ lại ở tuyến đầu nguy hiểm nhất và vững vàng được suốt hơn 1 năm qua.

Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
"Mặc bồ đồ này nóng mà, nó như ủ nhiệt trong người ấy. Lại nắng to nữa, bảo sao da lưng của các chiến binh áo trắng bị rộp da đỏ ửng vậy... Thương quá! Cố lên các chiến binh Việt Nam!"; "Nhìn mà ứa nước mắt. Không biết những người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly có thấy tội lỗi khi nhìn không?"; "Họ đã rất vất vả rồi. Chúng ta nếu không thể làm thay thì cũng đừng khiến họ thêm khổ sở. Vì thế hãy ở đâu ở yên đó, hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 nha! Chúng ta sẽ chiến thắng!", là những lời động viên dành cho những 'thiên thần áo trắng'.
Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Đồng nghiệp chỉ nhận ra nhau nhờ tên viết bằng bút trên bộ đồ bảo hộ.
Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Cảm ơn những anh hùng, những thiên thần áo trắng!
Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Ghế sô pha được tận dụng làm nơi nghỉ ngơi cho các y, bác sĩ.
Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Tranh thù giây phút ít ỏi để nghỉ ngơi.
Chồng chất khó khăn, ấm nghĩa đồng bào
Đoàn cán bộ, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội lên đường chống dịch ngày 27/5
Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động