Chợ hoa Hàng Lược - kí ức Tết trăm năm

Trăm năm đã qua đi, cứ đến Tết muôn hoa lại tụ về khoe sắc ở chợ hoa Hàng Lược. Chợ hoa đặc biệt chỉ mở duy nhất phiên Tết cũng lưu giữ kí ức tươi đẹp của hàng ngàn, hàng vạn người dân Thủ đô.
Phố cổ Hà Nội ngày Rằm tháng Chạp: Nghe hương Tết đang về Cấm đường tổ chức chợ hoa xuân phố cổ trăm năm tuổi Bí thư Thành ủy Hà Nội tham quan chợ hoa Hàng Lược

Cô bạn người Hà Nội nhất quyết rủ bằng được đồng nghiệp lâu năm đi chợ hoa Hàng Lược. Chợ nhỏ giữa phố nhỏ nhưng với cô, đây là chợ hoa đặc biệt nhất, đong đầy những kí ức tuổi thơ, gìn giữ vẹn nguyên những hương vị Tết xưa của người Hà Nội.

cho hoa hang luoc ki uc tet tram nam
Các bé trường mầm non Ánh Mai, Hoàn Kiếm, Hà Nội theo cô ra chợ hoa Hàng Lược tìm hiểu Tết cổ truyền. Ảnh: Hoàng Duy

Không chỉ với người mua, du khách, mà cái chợ hoa bé xinh nơi phố cổ còn gắn với kỉ niệm của không biết bao gánh hàng hoa xuống chợ."Nhớ ngày cận Tết năm ấy, cũng mưa như thế này... theo mẹ đi chợ hoa Hàng Lược. Đi mãi, ngắm mãi nào quất, nào đào... cuối cùng cũng chỉ mua về mấy bông hoa thược dược và vài nhành violet tím biếc... "Đào hay quất chỉ để trưng ở Bách hóa tổng hợp thôi con ạ," mẹ an ủi thế...", người đàn bà Hà Nội viết lên facebook những dòng chứa chan hoài niệm về cái Tết xưa yêu dấu gắn với chợ hoa có tuổi đời già nhất Thủ đô.

cho hoa hang luoc ki uc tet tram nam
Khách Việt thăm thú chợ hoa. Ảnh: Hoàng Duy
cho hoa hang luoc ki uc tet tram nam
Khách Tây thích thú khám phá nét văn hóa đặc sắc giữa lòng phố cổ. Ảnh: Hoàng Duy

Cô Phương (Phú Thượng, Tây Hồ), người đàn bà U60 đã đi qua vài chục mùa hoa trên phố Hàng Lược. Cô bảo ngày xưa cô ở Nhật Tân. Ngày bé theo mẹ ra chợ bán hoa, lớn lên tiếp quản nghề trồng bán hoa nơi phố cổ. Theo chồng về Phú Thượng, cô vẫn gắn bó với cái nghề làm hoa ngày Tết. Cả một tuổi thơ, thời thanh niên hoa mộng cũng như lúc tuổi đã xế chiều, những bông hoa đào thắm đỏ và góc chợ quen Hàng Lược mang đến cả những niềm vui Tết rộn ràng và nỗi buồn mênh mang trong những mùa hoa thất bát.

cho hoa hang luoc ki uc tet tram nam
Cô Phương đang giới thiệu với khách cành đào cắt ở vườn nhà. Ảnh: Hoàng Duy

Chú Dũng, chẳng phải dân Thủ đô mà là người Hưng Yên cũng có hơn 30 cái Tết trĩu trịt đạp xe chở hoa lên chợ Hàng Lược. Trong cái lạnh se se của buổi sáng mùa đông Hà Nội, chú cầm cút rượu con lên tu một hớp rồi bảo: "Đào năm nay nở sớm, người mua đào chơi Tết cũng sớm hơn. Ngày Tết cuối, chỉ mong hoa tươi, người đừng héo".

cho hoa hang luoc ki uc tet tram nam
"Ngày Tết cuối, chỉ mong hoa tươi, người đừng héo" là mong ước của người bán hoa Tết ở chợ Hàng Lược và vô số chợ hoa khác. Ảnh: Hoàng Duy

Chợ Hàng Lược kiêu kỳ, mỗi năm chỉ mở một phiên duy nhất, thường từ 23 tháng Chạp đến 29, 30 Tết. Đào, quất, hoa thược dược, violet, lay ơn... đẹp nhất từ những làng hoa có tiếng Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá… được chở về, thắp sáng cả khu phố cổ chợ hoa.

Theo người dân, chợ hoa Hàng Lược có lịch sử cả trăm năm và chỉ duy nhất một năm chợ hoa không họp, đó là Tết Đinh Hợi 1947, lúc đó Hà Nội đang là chiến trường.

Thế nhưng theo Tuệ Phong, một người yêu Hà Nội và là admin fanpage "Hà Nội trong tim", trong lịch sử phát triển chợ hoa xuân phố cổ đã dăm lần "chuyển hộ khẩu" rồi mới cố định ở Hàng Lược. Theo những ghi chép còn sót lại thì chợ hàng hoa trước kia tụ họp ở chợ Cầu Đông mà ngày nay là khu Hàng Đường - Nguyễn Siêu để tiện cho các làng nghề chuyển hoa xuống từ sông Nhị Hà. Sau đó, khi chợ Đồng Xuân được xây dựng thì có một chợ hoa tự phát ở cửa tây. Chỉ đến những năm 1940, chợ hoa ở phố Cống Chéo Hàng Lược mới bắt đầu hình thành và dẫn trở thành thói quen, truyền thống.

Trên fanpage "Hà Nội trong tim", tác giả Tuệ Phong viết: "Cùng với sự phát triển của đất nước, chợ hoa Hàng Lược cũng liên tục chuyển mình, đặc biệt mạnh mẽ kể từ sau thời kỳ đổi mới với dấu mốc nổi bật là Tết năm 1990. Ban đầu chợ hoa chỉ kéo dài từ đầu Hàng Lược, tiếp giáp với Hàng Cót cho đến phố Hàng Khoai. Khi ấy chợ bán chung cả đào và quất. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của tình hình kinh tế xã hội, đời sống người dân được cải thiện, cầu tăng nên cung cũng phải tăng theo khiến chợ hoa phình ngày càng to. Khoảng năm 1994, chợ hoa Hàng Lược hầu như chỉ tập trung bán đào, còn tại vườn hoa Hàng Đậu gần đó đã hình thành một khu chợ dành riêng cho quất. Khoảng vài năm sau thì chợ hoa Hàng Lược bắt đầu lan ra các khu vực xung quanh như Hàng Cót, Phùng Hưng và ngày nay kéo dài ra cả hết phố Hàng Rươi và một phần Hàng Khoai.

Các mặt hàng được bán trong chợ hoa xuân cũng theo đó mà tăng lên theo thời cuộc. Cho tới đầu những năm 1990, chợ hoa Hàng Lược chủ yếu bán đào và quất từ các làng Nghi Tàm và Nhật Tân chuyển về; cùng với đó là lác đác vài loại hoa xuân khác như thược dược. Nhưng sau đó dần dà xuất hiện thêm hoa mai chuyển từ miền Nam ra, đào rừng từ Tây Bắc về, rồi thủy tiên, phong lan, tulip… và đủ thứ sản phẩm ăn theo ngày Tết như đồ trang trí, phong bao mừng tuổi hay hoa quả trang trí bày mâm cúng….

Trước thời kỳ đất nước đổi mới, Chợ hoa Hàng Lược thường chỉ họp tự phát theo thông lệ. Cứ khoảng 25 tháng Chạp hàng năm, các xe đạp chở đào, quất lác đác xuất hiện với mật độ tăng dần trong những ngày giáp Tết và tan chợ ngay trong sáng 30. Nhưng từ năm 1990 khi bắt đầu có quy hoạch, tổ chức thì chợ cứ họp ngày một sớm dần, chuyển lên 23 Tết và giờ thường đã bắt đầu từ ngay ngày 20 tháng Chạp; cũng theo đó thì giờ ngay cả tối 30, người ta vẫn còn có thể mua đào, quất.

Nhìn lại sự phát triển của chợ hoa Hà Nội cũng như nhìn thấy sự thay đổi của cuộc sống người dân Thủ đô theo dòng lịch sử. Bởi đơn giản, chơi hoa ngày Tết đã là một thói quen, nếp sống hàng nghìn đời của người dân Hà Nội và dù ở bất cứ thời điểm nào, mỗi dịp Tết đến Xuân về, họ lại có nhu cầu tìm thấy nhau giữa một chợ hoa".

Huyền My
Phiên bản di động