Chính phủ chỉ đạo giảm tiếp 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước
Bộ Tài chính chưa muốn giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước Bộ Tài chính bác đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô |
Ngày 7/6, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến việc giảm lệ phí trước bạ đối xe ô tô sản xuất, láp ráp trong nước.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tương tự 2 nghị định trước đó, tức giảm 50% mức thu cho xe trong nước, để kịp thời áp dụng từ ngày 1/7 đến hết năm nay.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp thẩm định kịp thời dự thảo sau khi nhận được hồ sơ từ Bộ Tài chính, để đảm bảo nghị định được trình Chính phủ trước ngày 15/6.
Trước đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trình 2 trường hợp.
Thứ nhất, chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đề nghị của UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Trường hợp thứ hai, nếu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì đề nghị cân nhắc một trong 2 phương án.
Phương án 1: Giảm 50% mức thulệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án giảm với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe ô tô tồn kho, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, nhược điểm là chưa tuân thủ quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA, nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế. Có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu do đã điều chỉnh chính sách là 8.727 tỷ đồng)...
Đối với phương án giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Ưu điểm là hực hiện phương án này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; đồng thời sẽ đảm bảo được việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Trong khi đó, nhược điểm của phương án này là chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ.
Ngoài ra, phương án này cũng chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, giúp ngành sản xuất ô tô trong nước vượt qua khủng hoảng vì người dân sẽ ưu tiên mua xe ô tô nhập khẩu hơn xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về giảm thu ngân sách Nhà nước, nếu thực hiện theo phương án này thì tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ giảm khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng, từ đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách Nhà nước năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn.
Khác với quan điểm của Bộ Tài chính, Bộ Công thương lại cho rằng, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xetồn kho.
Theo Bộ Công thương, có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính sách này đến hết năm 2023, là thời điểm kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ có những tín hiệu khởi sắc. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.