Chàng trai người Mông nuôi ước mơ đưa thời trang thổ cẩm ra thế giới
Từ chàng thanh niên người Mông dám xa quê…
Gặp Bình trong lớp tập huấn “Chuỗi giá trị và xây dựng đề xuất dự án” cho ứng cử viên dân tộc thiểu số xuất sắc, chúng tôi có thiện cảm ngay với chàng trai vóc dáng nhỏ bé, nước da ngăm ngăm nhưng có tác phong nhanh nhẹn và vẻ tự tin hiện lên trên khuôn mặt, lời nói. Chất giọng của chàng trai dân tộc Mông pha lẫn ngữ điệu của người miền Nam lại càng khiến Bình ấn tượng hơn với người đối diện. Trò chuyện với chúng tôi, Bình trải lòng: Em sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo của tỉnh miền núi Tây Bắc (Tuần Giáo, Điện Biên), nhà lại có đông anh chị em, em là em út. Anh chị đều đi học xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em nghĩ mình cần phải đi làm để giúp đỡ bố mẹ, anh chị. Vì vậy mà em tạm gác lại chuyện học hành, xuống Hà Nội, rồi sau đó vào Sài Gòn lúc nào không rõ. Đến đâu em cũng phải làm rất nhiều nghề để nuôi sống bản thân.
Chàng trai người Mông Sùng A Bình |
Nở nụ cười thật tươi, gương mặt ánh lên niềm hạnh phúc, Bình tiếp: Số em quá may mắn khi gặp người hảo tâm giúp đỡ để quay trở lại đi học. Đến bây giờ em nghĩ lại, nếu quay về thời điểm đó, chắc em cũng không bao giờ có được cơ hội như vậy.
Kể từ đó, chàng trai người Mông vừa học ngành quản lý văn hóa, chuyên ngành đạo diễn sự kiện văn hóa nghệ thuật của Trường Đại học Văn hóa TP HCM vừa đi làm thêm công việc thiết kế vẽ trên áo dài.
Đến sản phẩm mang màu sắc truyền thống dân tộc…
Trong quá trình giúp việc và học hỏi, Bình nhận thấy thị trường đón nhận các sản phẩm thời trang có họa tiết bằng tay, thủ công nên chàng trai người Mông nuôi ý tưởng muốn gắn kết những người dân tộc Mông ở Sài Gòn để tạo ra những sản phẩm vừa có tính thời trang đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa lưu giữ, quảng bá được những tinh hoa nghề thổ cẩm của dân tộc mình.
Thổ cẩm là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết và các họa tiết này thường nổi lên mặt vải giống như được thêu. Hoa văn trên vải của người Mông diễn tả về thiên nhiên và thế giới đầy sống động của dân tộc này. Những tác phẩm của họ có những hoa văn mang tính thẩm mỹ riêng. Các sản phẩm có họa tiết của người Mông những năm gần đây được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. |
Không đợi chờ cơ hội đến với mình lần thứ hai, Sùng A Bình chủ động tập hợp những công nhân người Mông có nguyện vọng phát triển nghề truyền thống ở Sài Gòn.
Bình là người dẫn đầu, truyền đạt kỹ năng may mặc, nghệ thuật thời trang cho những chị em xa quê. Để sản phẩm tạo ra có thể nhanh chóng bán ra được thị trường, Bình chịu trách nhiệm maketing, đứng vai trò quản lý, thẩm định chất lượng và thuê giáo viên giảng dạy nhân viên may quần áo, kết hợp thổ cẩm thêu tay của người Mông.
Từ một cửa hàng nhỏ, hiện Bình đã thành lập công ty chuyên thiết kế, may thời trang thổ cẩm (Công ty TNHH Hmong Tagkis), tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho 4 người, trong đó 3 người dân tộc Mông.
Bình chia sẻ: Thời trang là lĩnh vực luôn có sự thay đổi, nếu mình không bắt kịp xu hướng thì mình sẽ lạc hậu, nhưng nếu mình không có cái độc đáo, khác lạ thì mình lại không thể tồn tại được. Do đó, Công ty của Bình hướng đến những sản phẩm thời trang thổ cẩm thay vì túi, ba lô, ví thổ cẩm như các chị em hợp tác xã đang làm. Do đó, sản phẩm của Bình là những bộ váy, áo, khăn, áo dài… thực hiện bằng chất liệu vải truyền thống là vải lanh, vải lanh nhuộm chàm, vải lanh vẽ sáp ong, vải lanh nhuộm màu tự nhiên và vải lanh thêu hoa văn thổ cẩm bằng tay cầu kỳ, tỷ mỉ. Đặc biệt, các sản phẩm còn được kết hợp cả hội họa, sử dụng cả kết cườm, thêu đá và kỹ năng nghề để tạo các sản phẩm sang trọng.
Và hành trình biến ước mơ thành hiện thực
Để có thể đưa sản phẩm mang màu sắc truyền thống của dân tộc Mông ra thị trường, Bình mạnh dạn tham gia Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam”. Với ý tưởng độc đáo, Dự án “Đào tạo nghề may cho phụ nữ Mông gắn liền với thiết kế sử dụng thổ cẩm” của Bình đã vinh dự là 1 trong 23 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung khảo của cả nước.
Chia sẻ về thành công bước đầu này, theo Bình: Ngoài việc muốn gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, mục đích của Đề án là đào tạo nghề may cho phụ nữ di cư lao động người Mông, để họ có thể sản xuất được các sản phẩm thời trang dựa trên nguồn lực đã có sẵn trong cộng đồng. Hơn nữa là đáp ứng nhu cầu sử dụng cho những khách hàng có gu thẩm mỹ, thích phong cách riêng độc đáo trong nước; sau là mở rộng ra các thị trường ở nước ngoài.
Hiện tại, doanh nghiệp của Bình cũng đã nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm thời trang thổ cẩm ở các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Úc, tuy nhiên do thiếu vốn nên chưa thể tiếp cận được.
Bình cũng cho biết, tham gia Cuộc thi, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là được hỗ trợ nguồn tài chính để có thể thực hiện được ước mơ vươn ra biển lớn. Bởi với Bình, ngoài cần những chiến lược kinh doanh, quản lý kinh doanh, maketting, nói một cách hình tượng thì doanh nghiệp đã đào được ao, có nước, cần vốn để mua cá để nuôi những con cá lớn hơn.