Chấn chỉnh sai phạm, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho học sinh
Nhà trường phải bảo đảm quyền lợi cho học sinh được đến trường, đến lớp học
Ngày 5/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 – 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Nội dung trọng tâm là quán triệt các nhiệm vụ các nhiệm vụ năm học, chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm vừa qua liên quan đến vấn đề thu chi, dạy liên kết, văn hóa ứng xử… tại một số trường học.
Quang cảnh hội nghị. |
Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhận định: “Từ đầu năm học tới nay, bên cạnh những việc đã làm được, tại một số trường còn xảy ra vi phạm trong quản lý, tổ chức dạy học gây bức xúc trong dư luận”.
Những ngày gần đây, xôn xao khắp các diễn đàn mạng xã hội là hình ảnh giáo viên có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) và tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất); Sự việc cô giáo bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non tại huyện Gia Lâm… Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tất cả các sự việc đều đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ. Hội nghị hướng tới mục đích chỉ đạo, quán triệt một lần nữa những quy định liên quan để chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thế Cương nhấn mạnh: “Yêu cầu nhà trường phải bảo đảm quyền lợi học sinh được đến trường, đến lớp học, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao Phòng Giáo dục Trung học và Phòng Thanh tra xem xét xử lý sự việc, bảo đảm các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Trước đó, vụ việc nhà trường từ chối giáo dục học sinh bắt nguồn từ các khoản thu đầu năm tại Trường THPT Lạc Long Quân (Sóc Sơn, Hà Nội). Theo đó, ngày 26/8, một phụ huynh lớp 12A3 đã có tin nhắn trên nhóm lớp với nội dung được cho là làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Nhà trường đã 2 lần mời phụ huynh làm việc, cử giáo viên chủ nhiệm tới nhà đưa giấy mời, nhưng phụ huynh không hợp tác.
Thông tin về việc xử lý cơ sở bạo hành trẻ 15 tháng tuổi ở huyện Gia Lâm, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẳng định, cơ sở này đã bị đình chỉ theo đúng quy định. Hôm nay (5/10), lực lượng chức năng đang giám sát việc tháo dỡ biển cũng như việc đóng cửa của cơ sở. Toàn bộ trẻ đang theo học tại đây được chuyển sang trường mầm non công lập trên địa bàn.
Ảnh minh hoạ. |
Để ngăn chặn việc các cơ sở mầm non hoạt động “chui”, đồng chí Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Khi phát hiện cơ sở có sai phạm, hoạt động không có giấy phép, phải kiên quyết xử lý ngay và quan tâm hậu kiểm, tránh trường hợp ra văn bản thông báo đình chỉ rồi nhưng để đó làm ngơ.
Sở cũng yêu cầu các đơn vị để hiệu trưởng gánh trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình khi có các sự việc xảy ra.
Thường xuyên kiểm tra đột xuất việc thu các khoản thu và dạy thêm
Nhằm kịp thời chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến công tác thu chi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu các khoản thu tại các trường trực thuộc.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Thế Cương nhấn mạnh việc quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy thêm học thêm,… và cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, đặc biệt với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh.
Đối với trường hợp ép học sinh học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Sở yêu cầu các nhà trường cũng cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Ảnh minh hoạ. |
Chia sẻ về giải pháp trong việc ngăn ngừa các hành vi sai phạm của nhà giáo thời gian qua, theo đồng chí Trần Thế Cương, dư luận có nêu ý kiến về việc xử lý học sinh phát tán clip trên mạng xã hội, việc này không hoàn toàn đúng. Việc phát tán hay không phát tán clip trên mạng cần căn cứ vào các quy định riêng như Luật An ninh mạng…
“Tôi không cổ súy việc học sinh mang điện thoại vào lớp quay clip, nhưng thông qua nội dung ấy chúng ta mới có căn cứ xử lý các hành vi sai phạm”, đồng chí Trần Thế Cương nói.
Các nhà trường phải tăng cường duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc dư luận. Cùng với đó, cần đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học, tránh chỉ tập trung, quan tâm quá mức vào những thông tin gây phản cảm.