Cấp bách thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Hội và TP HCM là rất cần thiết và cấp bách...
Cơ chế đặc thù, đặc biệt làm đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM Chính phủ trình Quốc hội đầu tư dự án đường sắt hơn 8 tỷ USD

Theo thông cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, chiều 15/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Tại phiên thảo luận có 13 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu cho rằng, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Cấp bách thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung chiều 15/2.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung sau: căn cứ, sự cần thiết xây dựng Đề án; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; bối cảnh, tình hình, khó khăn, thách thức; yêu cầu tăng trưởng năm 2025; kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025; điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Về các nhiệm vụ và giải pháp, các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã nêu trong tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ngoài ra, các ý kiến đại biểu đề nghị cần có giải pháp đối với các dự án tồn đọng, ban hành gói hỗ trợ nhằm khơi thông các nguồn lực; quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chỉ tiêu đánh giá năng lực của cán bộ, công chức để có chế độ, chính sách phù hợp; xây dựng lộ trình cải cách tiền lương; có cơ chế, chính sách đặc thù đối với những địa phương có thế mạnh riêng; giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương; có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tăng nguồn lực đầu tư ở cả khu vực công và khu vực tư nhân; phát triển kinh tế phải bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh.

Cũng trong chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP HCM.

Theo đó, về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết thông qua chủ trương đầu tư dự án này; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách vừa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn để sớm khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn; tiến độ thực hiện; các cơ chế, chính sách đặc thù; công nghệ để triển khai dự án.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP HCM, các ý kiến đại biểu cho rằng, việc xây dựng và ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố là rất cần thiết và cấp bách để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; vấn đề kết nối hệ thống toàn tuyến đường sắt đô thị; chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; tổ chức thực hiện.

Hậu Lộc
Phiên bản di động