Cảnh báo nguy hiểm ở các bãi tắm tự phát ở Hà Nội

Do tiết trời nắng nóng, kết hợp với việc thiếu các khu tắm công cộng đạt chuẩn, những ngày này người dân Thủ đô Hà Nội ven các sông, hồ đã đổ xô đến các bãi tắm tự phát mặc dù đã có nhiều tai nạn đuối nước xảy ra cũng như có biển cảnh báo nguy hiểm.
Nước sông Tô Lịch chuyển biến tích cực sau hơn 1 tuần thí điểm công nghệ Nhật Bản

Được bơi lội, vui chơi thỏa thích là nhu cầu thiết yếu của người dân, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nên loại bỏ những bãi tắm tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Đi dọc đường đê An Dương Vương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) dễ dàng nhận thấy có khá nhiều bãi tắm tự phát ven sông Hồng. Những bãi tắm này do người dân tự tìm đến tắm rồi ngẫu nhiên lâu dần trở thành bãi tắm trong mùa hè oi bức.

canh bao nguy hiem o cac bai tam tu phat o ha noi
Có đến hàng trăm người, gồm cả người lớn và trẻ nhỏ đến bãi tắm tự phát.

Ở khung giờ cao điểm từ 16h30 đến 17h30, có đến hàng trăm người gồm cả người lớn và trẻ nhỏ đến đây "giải nhiệt". Theo quan sát, mặc dù cơ quan có biển cảnh báo "nguy hiểm, cấm tắm" nhưng càng về chiều tối người dân kéo đến khu vực này càng đông hơn. Đặc biệt, các bãi tắm tự phát này đều không có phao tiêu cảnh giới và lực lượng cứu hộ phòng trường hợp đuối nước.

Em Nguyễn Cao Hải Danh, quận Bắc Từ Liêm cho biết: Hàng ngày em đều ra bãi sông Hồng tắm vào khoảng 17h30 để "né cơn nóng" mỗi buổi chiều. Lúc đầu tắm có rất đông người nên khá vui, nhưng hôm nào ra bơi muộn, khi trời chuyển sang tối em cũng hơi sợ vì ít người. Mặc dù ở đây cấm tắm, nhưng nhiều người quanh khu vực vẫn đến vì vừa không mất phí mà nước lại mát, sạch, được bơi lội thoải mái.

Tương tự, theo ghi nhận của phóng viên, mỗi buổi chiều từ khoảng 17h, có hàng trăm người đến tắm tại các bãi tắm tự phát ở khu vực hồ Tây, hồ Linh Đàm... mặc dù chính quyền địa phương đặt hàng loạt biển “cấm tắm” để ngăn chặn những tai nạn đuối nước đáng tiếc. Nhiều người vẫn không biết hoặc biết bị cấm mà vẫn tới. Đáng chú ý, có những khi trời đã tối vẫn có người tắm, thậm chí có cả trẻ em, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước rất cao.

Chị Nguyễn Thu Trang (quận Cầu Giấy) chia sẻ: Biết có đặt biển cấm nhưng tiết trời oi bức quá, đến các bể bơi quá xa, rất đông nên chọn cho các con bơi ở khu vực hồ Tây gần nhà. Các cháu đều có áo bơi và có nhiều người lớn bơi cùng nên cũng không lo lắm. Tuy nhiên, để người dân có thể bơi ở sông mà vẫn đảm bảo an toàn, rất mong chính quyền, đơn vị liên quan có lực lượng cứu hộ, phao tiêu cảnh giới... và có thể thu tiền.

Quan điểm cá nhân của người dân ra bơi ở các bãi tắm tự phát là vậy, nhưng người dân thành phố Hà Nội chưa thể quên vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm 5 người chết khi tắm ao gần nhà thờ Sở Hạ (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) vào ngày 2/7/2017. Trong đó, có 3 học sinh gồm Nguyễn Bảo Hưng (13 tuổi), Đặng Thế Anh (13 tuổi), Đặng Tuấn Vũ (14 tuổi) tử vong tại bệnh viện, 2 người lớn là anh Đặng Văn Điều (32 tuổi) và Đặng Văn Trình (37 tuổi) tử vong tại chỗ khi xuống cứu.

Vì vậy, để giảm thiểu những rủi ro do đuối nước, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ quan liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngoài những giải pháp đã, đang triển khai như: tổ chức lớp dạy bơi cần phải đẩy mạnh việc dạy thêm kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ; tăng cường sự giám sát của nhà trường và gia đình với trẻ.

Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc, giám sát của cộng đồng, để người dân thường xuyên để ý, cảnh báo nếu thấy trẻ em bơi lội ở nơi không an toàn, nhất là ở các bãi tắm tự phát. Địa phương cần tính tới việc cử người thường xuyên trông coi ở những địa điểm có cảnh báo nguy hiểm vào mùa cao điểm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần tuyên truyền định hướng hoặc tổ chức những đội cứu hộ, thanh niên tình nguyện sẵn sàng ứng phó, khẩn trương vào cuộc loại bỏ những bãi tắm tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, để đảm bảo an toàn cho người dân.

Duy Tân
Theo Tin Tức
Phiên bản di động