Ninh Bình có thể sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 18 xã

Đến năm 2025, Ninh Bình có thể giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 18 xã.
Ấn tượng với cánh đồng “Lý ngư vọng nguyệt” ở Ninh Bình

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 29 (lần 2) cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, đối với cấp huyện, nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư.

Đối với cấp xã, sắp xếp 43 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 22 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 10 đơn vị liền kề và 2 đơn vị thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng 2 xã để hình thành 16 ĐVHC cấp xã mới.

Như vậy, sau sắp xếp, đã giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, và giảm 18 đơn vị hành chính cấp xã.

Đồng thời, có 12 xã/34 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện sắp xếp do có các yếu tố đặc thù quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Ninh Bình có thể sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 18 xã
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhấn mạnh, nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình phù hợp với các quy hoạch có liên quan theo quy định.

Về việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 16 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Đảng, điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành.

Liên quan tới các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục, đề nghị giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn; nhập các trạm y tế của đơn vị hành chính cấp xã (cũ) để thành lập trạm y tế của đơn vị hành chính cấp xã (mới).

Ninh Bình có thể sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 18 xã
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc.

Đồng thời, các trạm y tế cũ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc trạm y tế của đơn vị hành chính cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn hoặc được sắp xếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực.

Đối với thành phố Hoa Lư, thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp cấp huyện có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ ở các đơn vị hành chính cấp huyện trước sắp xếp.

Về số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đối với cấp huyện dôi dư 60 người dự kiến bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; đối với cấp xã đôi dư 369 người, hoàn thành việc giải quyết trong 5 năm.

Tại đề án và dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã rà soát, thống kê và có phương án giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư trong thời hạn 3 năm.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025 nhưtTờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã.

Về tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, các ý kiến cho rằng, thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp đã đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35.

Về tiêu chuẩn về phân loại đô thị, thành phố Hoa Lư chưa được đánh giá, phân loại đô thị phù hợp với tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh theo quy định. Theo đề án, Chính phủ và chính quyền tỉnh Ninh Bình đề nghị áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết số 50 và cam kết sẽ hoàn thành việc phân loại đô thị đối với thành phố Hoa Lư trước ngày 31/12/2024.

Trên cơ sở áp dụng quy định về phân loại đô thị có yếu tố đặc thù là khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô 40 thị trực thuộc để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận (điểm đ khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 1210), khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư cơ bản có thể đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy vẫn còn 2 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu, số lượng tiêu chuẩn áp dụng yếu tố đặc thù là khá nhiều. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Ninh Bình có biện pháp huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư, khắc phục các tiêu chuẩn còn ở mức thấp, nâng cấp chất lượng đô bạn thị để xứng tầm đô thị di sản và đủ khả năng đáp ứng yêu cầu là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, điểm đến thân thiện và hấp dẫn.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng đề xuất của Chính phủ về việc không thực hiện sắp xếp đối với các xã Phú Sơn (huyện Nho Quan), Gia Xuân, Gia Phương, Gia Phong, Gia Minh (huyện Gia Viễn), Chất Bình, Hồi Ninh, Tân Thành, Kim Đông, Kim Trung (huyện Kim Sơn) là có cơ sở.

Tuy nhiên, đối với xã Gia Sơn (huyện Nho Quan), xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn), các lý do mà Chính phủ nêu trong đề án còn chung chung, chưa thật sự phù hợp với quy định của Nghị quyết số 35. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Ninh Bình bổ sung giải trình về lý do đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ, tán thành việc thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời cơ bản nhất trí với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025. Hồ sơ đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động