Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước

Thích nghi với biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng những công viên như những hồ chứa nước để trị thủy và tạo không gian xanh - đó là hướng đi mà nhiều quốc gia đang hướng đến khi quy hoạch đô thị.
Hà Nội: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công viên, cây xanh Chuyển đổi bãi rác Nam Sơn thành công viên tái chế

Năm ngoái, lũ lụt nghiêm trọng đã gây ra sự tàn phá khắp thế giới, bao gồm Nigeria, Pakistan và Australia. Tình hình này được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian sắp tới. Một phần của các thành phố lớn nhất châu Á được dự đoán sẽ bị nhấn chìm vào cuối thế kỷ này. Các bờ biển của Hoa Kỳ dự kiến cũng ​​sẽ chứng kiến ​​mực nước biển dâng cao từ 25,4- 30,48cm vào năm 2050.

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Hậu quả nghiêm trọng của bão Katrina

Để tự bảo vệ mình, các thành phố có xu hướng tập trung vào việc kiểm soát thủy lợi và điều tiết kênh mương, trị thủy theo cách truyền thống là bê tông hóa, xây đê, tường chắn sóng, đập và các “cơ sở hạ tầng xám” khác.

Tuy nhiên, theo bà Elisa Palazzo, giảng viên cao cấp tại Trường Môi trường Xây dựng của UNSW Sydney : “Phương pháp này có thể dự đoán mức độ và khối lượng của các sự kiện lũ lụt có thể xảy ra, nhưng lại có điểm hạn chế nghiêm trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu khó đoán hiện nay”.

Trong khi vấn đề biến đối khí đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng thì các nhà khoa học và chuyên gia đau đầu nghiên cứu các phương pháp kiểm soát thủy lợi một cách hiệu quả.

Công viên Chulalongkorn điều tiết nước ở Thái Lan

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Trẻ em Thái vui chơi với các máy lọc nước thân thiện được thiết kế như xe đạp với bánh xe nước trong công viên.

Bangkok được xây dựng trên vùng đồng bằng trũng của sông Chao Phraya, nơi rất dễ bị lũ lụt. Năm 2011, trận lũ kinh hoàng tràn vào thành phố đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người.

Đặc biệt, khi mực nước ở Vịnh Thái Lan dâng cao, Bangkok với gần 11 triệu dân, nằm ở độ cao khoảng 1,5 mét so với mực nước biển, đang bị đe dọa nhấn chìm trong nước do quá trình đô thị hóa ngày càng tăng.

Nữ kiến trúc sư Thái Lan Kotchakorn Voraakhom, người sáng lập công ty kiến ​​trúc cảnh quan Land Process, đã nghiên cứu kĩ lưỡng và đề xuất phương án của mình để tìm hiểu cách thiết kế tốt hơn cho lũ lụt.

Bà đã bắt đầu ý tưởng này bằng câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể cải tạo các đô thị hiện đại nhằm hòa hợp với thiên nhiên thay vì chống lại nó?”

Một trong những giải pháp của bà cho Thủ đô Bangkok là Công viên Chulalongkorn tại Đại học Chulalongkorn ở trung tâm Bangkok. Nơi đây được coi như một không gian xanh hiếm hoi trong thủ phủ hiện đại của Thái Lan với thiết kế độc đáo và tận dụng tối đa tài nguyên tự nhiên để cân bằng sinh thái tự nhiên trong môi trường đô thị.

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Khuôn viên công viên Chulalongkorn.

Hoàn thành vào năm 2017, công viên có diện tích lên tới 11 mẫu Anh (45.000m2), được thiết kế để điều tiết và dự trữ nguồn nước sạch khổng lồ. Công viên Chulalongkorn xây dựng trên một sườn dốc để lợi dụng sức nghiêng của địa hình, qua đó nó có thể dẫn nước đi qua các khu vườn và vùng đầm ngập nước nhân tạo, sau đó vào một hồ chứa.

Có lẽ tính năng độc đáo nhất của Chulalongkorn là ẩn mình hoàn toàn bên dưới lòng đất. Các bể ngầm có thể chứa 160.000 gallon nước là tiến bộ phát kiến của kiến trúc sư Voraakhom để lưu trữ và làm sạch nước. Toàn bộ công viên có thể chứa tới một triệu gallon nước.

Bà Voraakhom cho biết, ý tưởng về công viên bắt nguồn từ ý tưởng về má của loài khỉ. Khỉ dùng má dự trữ thức ăn để ăn khi đói; và công viên cũng sẽ đóng vai trò dự trữ tài nguyên nước và điều tiết thủy lưu hiệu quả cho thành phố. Không gian xanh cũng có thể giúp giảm ô nhiễm không khí và giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nơi các thành phố dày đặc, nhiều bê tông giữ nhiệt.

"Thành phố bọt biển" ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Trung Quốc đã trải qua qua hàng ngàn năm trị thủy, từ lâu đã ủng hộ và đẩy mạnh triển khai các dự án về “thành phố bọt biển ” (Sponge City). Ý tưởng này bắt nguồn từ việc thiết kế tập trung vào thiên nhiên, bao gồm vườn, mái nhà xanh, vùng đất ngập nước và vỉa hè cấu tạo bằng vật liệu siêu thấm nước – cho phép nước được lưu trữ và dần thấm xuống đất, điều tiết lượng nước chảy ra ngoài.

Năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch thí điểm 16 thành phố bọt biển.

Kiến trúc sư kiêm giáo sư Kongjian Yu, người sáng lập công ty thiết kế Turenscape và là người đi đầu trong thiết kế thi công các thành phố bọt biển, cho biết: “Tất cả các thành phố đang cố gắng chống lại dòng nước như một kẻ thù tự nhiên. Mục đích của các thành phố bọt biển là “cung cấp thêm không gian cho nước””

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Quy hoạch thành phố bọt biển nhằm chung sống và thích nghi với môi trường là sự cải tạo cấp thiết cho môi trường hiện nay.

Công viên sông Yongxing ở Bắc Kinh là một trong nhiều dự án thành phố bọt biển của giáo sư Yu. Trước đây, địa điểm này vốn là một kênh thoát nước bằng bê tông với mức ô nhiễm đô thị phổ biến. Qua dự án cải tạo của Turenscape, nơi đây đã thành một “sông bọt biển”, được thiết kế để quản lý nước lũ và lọc sạch nước mưa ô nhiễm.

Một mạng lưới các con đường kết nối công viên với cây cối bản địa đa dạng như cây liễu, táo cua và táo gai. Công viên cũng có sân chơi cho trẻ em cũng như sân thể thao đa năng để phục vụ môi trường sống xanh của người dân.

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Các khu hồ và thảm thực vật được đan xen hài hòa.

Khi các thành phố bọt biển mọc lên ở Trung Quốc, đã có một số câu hỏi về khả năng đối phó với những cơn mưa và bão ở quy mô lớn hoặc trở nên nghiêm trọng hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Vào năm 2021, thành phố Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam, một phần của sáng kiến ​​thành phố bọt biển, đã trải qua những trận mưa kinh hoàng khiến gần 300 người thiệt mạng. Đối với giáo sư Yu, các thành phố bọt biển là một đề xuất kịp thời cho những sai lầm đã mắc phải khi phát triển đô thị hóa, hậu quả là việc mất đi những con sông và phụ thuộc nặng nề vào bê tông với những công trình kiến trúc lớn.

Những "ngôi nhà nổi" trên sông hồ tại Amsterdam (Hà Lan)

Hà Lan là đất nước với khoảng một phần ba diện tích nằm dưới mực nước biển. Nơi đây nổi tiếng với cộng đồng dân cư xanh, chung sống với nước bằng cách xây dựng nhà cửa, trường học và di chuyển bằng thuyền gỗ trên đó theo đúng nghĩa đen.

Rotterdam là quê hương của nhà máy sữa nổi trên nước đầu tiên trên thế giới, khai trương vào năm 2019, cũng như các công viên tái chế từ rác thải và thậm chí là các công trình kiến trúc văn phòng trên mặt nước.

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Khung cảnh thường nhật vào mùa hè tại Amsterdam.

Trong vài năm qua, ý tưởng về những ngôi nhà nổi đang nhận được sự chú ý từ rất nhiều người trẻ. Tại khu phố Schoonschip phía bắc Amsterdam, công ty kiến ​​trúc Space&Matter đã thiết 30 ngôi nhà cộng đồng trên mặt nước. Việc xây dựng được hoàn thành vào năm 2021 và hiện là nơi sinh sống của hơn 100 cư dân.

Jeroen Dellensen, một trong ba người sáng lập của Space&Matter, cùng với Jaspar Jansen và Chris Collaris, của công ty thiết kế i29, đã thiết kế một trong những ngôi nhà trong cộng đồng, cho biết nước và đất được quy hoạch hài hòa để đan xen với nhau.

Được xây dựng bằng khung gỗ và cách nhiệt bằng vải bố và rơm, những ngôi nhà được trang bị máy bơm nhiệt và tấm pin mặt trời. Vườn trên mái nhằm mục đích giúp tản nhiệt vào mùa hè cũng như hấp thụ nước mưa.

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Các tổ hợp kiến trúc nổi trên nước rất phổ biến tại Hà Lan, được thiết kế thân thiện với môi trường.

Cầu tàu linh hoạt kết nối các ngôi nhà với nhau và với đất liền. Chúng được thiết kế để lên xuống theo dòng nước lên xuống.

“Thay vì chống lại mực nước biển dâng cao, chúng ta nên thích nghi và tận dụng nó như một điểm cộng cho môi trường đô thị được hài hòa,” Tom Kolnaar, Giám đốc truyền thông của Space&Matter chia sẻ.

"Thành phố san hô" ở Maldives

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới đang ở trong tình trạng đối mặt trực tiếp đến từ nhiều rủi ro từ khủng hoảng khí hậu hơn Maldives. Phần lớn quần đảo gồm hơn 1.000 hòn đảo ở Ấn Độ Dương nằm trên mực nước biển chưa đến một mét.

Mối đe dọa lũ lụt, kết hợp với nhu cầu có thêm nhà ở dân sinh và các công trình cộng đồng đang thúc đẩy một dự án mới từ chính phủ – hợp tác với nhà phát triển Dutch Docklands – để xây dựng và quy hoạch một thành phố nổi.

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Cấu trúc của thành phố tương lai được lấy ý tưởng từ hình ảnh san hô não.

Koen Olthuis, người sáng lập Waterstudio, công ty thiết kế thành phố, nói với tờ CNN rằng đó là một loại “thành phố công nghệ mang dáng vẻ và cảm nhận của một làng chài cổ ở Maldives”.

Nằm trên một đầm phá cách thủ đô Male khoảng 10 phút đi thuyền, thành phố sẽ được tạo nên từ một loạt các trụ nổi được chế tạo và đóng tại địa phương và kéo xuống nước. Chúng sẽ được gắn vào đáy biển bằng các cột ống lồng, cho phép thành phố lên xuống theo thủy triều và các cơn sóng, nhằm đối phó với mực nước biển dâng cao báo động.

Olthuis cho biết, tác động môi trường của các công trình này đã được đánh giá nghiêm ngặt. Ông giải thích rằng thiết kế dựa trên cấu trúc của một cụm san hô não và khả năng tìm thấy “sự cân bằng giữa không gian và tính cởi mở của thời đại”, đồng thời cho biết thêm rằng thành phố sẽ trông giống như một cụm san hô khổng lồ khi nhìn từ trên cao. Mục đích là một thành phố được tối ưu hóa nhằm cung cấp đủ không gian cho mọi người trong khi đảm bảo đủ ánh sáng mặt trời chiếu xuống đáy biển bên dưới nó. Bờ san hô nhân tạo sẽ được gắn bên dưới thành phố để tạo hệ sinh thái san hô.

Việc xây dựng bắt đầu triển khai vào cuối năm nay và dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào đầu năm 2028.

Các thành phố nổi đã bị chỉ trích vì cung cấp các giải pháp nhà ở quá đắt đỏ, nhưng Olthuis cho biết khả năng chi trả là một yêu cầu do chính phủ ở Maldives đặt ra. Ông cho biết mục tiêu là 90% cư dân là người địa phương ở Maldives và những ngôi nhà sẽ có cùng mức giá với những bất động sản tương tự ở Male.

Công viên khí hậu Enghaveparken ở Đan Mạch

Vào năm 2011, Copenhagen đã trải qua một trận mây mù - một trận mưa bão rất bất ngờ và có sức tàn phá lớn, gây ra lượng mưa cực lớn trong vài giờ bằng toàn bộ lượng mưa trong vài tháng theo thông lệ, khiến nhiều khu vực của thành phố ngập dưới một mét nước. Thiệt hại lớn ước tính khoảng 1 tỷ đô la.

Thảm họa đã thúc đẩy việc tăng cường triển khai các kế hoạch nghiên cứu và giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động lên thành phố. Một trong những giải pháp cho việc đó chính là Enghaveparken – một “công viên khí hậu” khổng lồ.

Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước
Công viên Enghaveparken nhìn từ trên cao.

Công viên có từ năm 1928 được thiết kế lại bởi công ty kiến ​​trúc Tredje Natur. nhằm bảo tồn di sản vốn có của công viên, đồng thời chuẩn bị ứng phó với khí hậu khắc nghiệt hơn.

Công viên đã được thiết kế lại, nằm dưới chân một ngọn đồi, dựa trên ý tưởng thêm vào các khoang chứa nước cho khuôn viên xanh cho công viên.

Một sân khúc côn cầu bằng bê tông đã được hạ thấp 3m, và sẽ là điểm khởi đầu để chứa nước lũ đổ về. Sau khi sân đầy nước, nước có thể chảy vào vườn hoa hồng trũng và cuối cùng chảy ra hồ. Công viên cũng có các lưu vực ngầm thu nước mưa từ khu vực lân cận.

Rafn cho biết, một bức tường bao quanh công viên sẽ giữ nước và được xây dựng theo cách để tất cả các cây cổ thụ có thể giữ nguyên vị trí của chúng.

Qua các sự kiện thời tiết cực đoan trong vòng 100 năm trở lại đây đã chứng minh, toàn bộ 35.000 m2 của công viên có thể chứa đầy nước cho đến khi lũ rút. Công viên có thể xử lý khoảng 6 triệu gallon nước, đảm bảo hệ thống được luân chuyển một cách nhịp nhàng.

Minh Anh
Phiên bản di động