Cảnh báo nguy cơ buôn lậu quặng sắt, thép

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại qua hoạt động xuất, nhập khẩu quặng sắt và các sản phẩm thép là rất cao.
Hàng loạt “chiêu” buôn lậu, kinh doanh hàng giả nhãn mác, xuất xứ Việt Nam Chống buôn lậu, gian lận thương mại cần sự “chung tay” của doanh nghiệp

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại thị trường Việt Nam, từ đầu năm đến nay giá mặt hàng thép xây dựng đã tăng mạnh nhất từ trước đến nay với gần 50%.

Việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam một phần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặt khác nguyên liệu sản xuất thép của Trung Quốc chủ yếu là quặng sắt do nước này nhập khẩu.

Bằng chứng là khoàng 70% lượng quặng sắt nhập khẩu trên đường biển đang được vận chuyển là tới Trung Quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc.

Cảnh báo nguy cơ buôn lậu quặng sắt, thép
Giá thép thời gian qua tăng cao bất thường.

Thời gian vừa qua các công ty thép trong nước đã đồng loạt tăng giá thép xây dựng lên trung bình 500 đồng/kg.

Cụ thể, ngày 12/5/2021 thép Hòa Phát có văn bản thông báo tăng giá thép cây, thép cuộn lên 500 đồng/kg so với giá hiện tại trên phạm vi toàn quốc; thép Việt Đức tăng 600 đồng/kg. Giá thép cuộn cán giao tháng 4/2021 tại Mỹ là 1.500USD/tấn; tại châu Âu là 1.204USD/tấn.

Như vậy, giá thép xây dựng trong nước khả năng tiếp tục tăng trong năm 2021.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại qua hoạt động xuất, nhập khẩu quặng sắt và các sản phẩm thép là rất cao

Lợi nhuận qua việc kinh doanh, sản xuất thép và các sản phẩm thép là rất lớn. Các doanh nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc tranh thủ nhập quặng sắt về để sản xuất (trong đó có nguồn nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam), do vậy càng đẩy giá quặng sắt lên cao. Khi giá thép hiện nay tăng mạnh đã đẩy giá quặng sắt (nguyên liệu chính trong sản xuất thép trong năm 2020) tăng 135%.

Vì lợi nhuận nên một số tổ chức, cá nhân trong nước lợi dụng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng quặng được phép để buôn lậu, gian lận thương mại thông qua các hành vi khai báo gian dối về số lượng, chất lượng, chủng loại , làm thất thoát nguồn khoáng sản, gây thất thu ngân cho ngân sách nhà nước.

Cũng vì lợi nhuận cao nên rất dễ xảy ra tình trạng một số đối tượng buôn lậu lợi dụng để vận chuyển trái phép qua các đường mòn lối mở qua các tỉnh phía Bắc để vận chuyển quặng sắt trái phép qua biên giới từ Việt Nam sang Trung Quốc tiêu thụ. Các địa bàn có rủi ro cao về việc buôn lậu, vận chuyển trái phép quặng sắt qua biên giới là các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên.

Đối với hoạt động nhập khẩu thép và các sản phẩm từ thép của một số tổ chức có thể lợi dụng để khai sai nguồn gốc, xuất xứ, hàm lượng (các bon), thành phần các chất hóa học cấu tạo lên sản phẩm thép để gian lận thương mại.

Vì vậy, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, để đảm bảo ổn định thị trường đối với mặt hàng thép và các sản phẩm thép trong nước trong giai đoạn tiếp theo, các cơ quan quản lý Nhà nước cần lường trước được các rủi ro và có biện pháp phòng tránh.

Về giải pháp trước mắt, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tham mưu Chính phủ có chính sách thuế xuất, nhập khẩu phù hợp, cụ thể mặt hàng quặng sắt và thép thành phẩm; đồng thời siết chặt hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đới với mặt hàng này trong hoạt động xuất nhập khẩu theo nguyên tắc vừa đảm bảo tạo điều kiện thông thoáng cho những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, vừa kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng này.

Về lâu dài, các Bộ, ngành chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mặt hàng này trên thế giới và trong nước, kịp thời tham mưu chính phủ có biện pháp điều tiết, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng này không để cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng gây mất ổn định thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách phù hợp đối với các nhà sản xuất thép trong nước như chính sách miễn, hoãn, chậm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách tài chính tín dụng... để các doanh nghiệp này ít bị ảnh hưởng của giá thép và các nguyên liệu sản xuất mặt hàng nay trên thế giới đang tăng đột biến.

Hậu Lộc
Phiên bản di động