Chống buôn lậu, gian lận thương mại cần sự “chung tay” của doanh nghiệp
Hà Nội “nóng” nạn buôn lậu và vận chuyển hàng giả, hàng lậu dịp cuối năm |
Đây là chia sẻ của ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với báo chí.
Theo ông Đàm Thanh Thế, thời gian qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội thuốc lá, Hiệp hội Ga Việt Nam, Hiệp hội Xe máy Việt Nam, Hiệp hội phân bón...) nhằm củng cố mối quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ, phát huy thế mạnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành, lực lượng, cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế. Ảnh: T.Trang |
Việc phối hợp này đã tăng hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong một số lĩnh vực kinh doanh; góp phần tạo lập thị trường kinh doanh trong nước lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý hiệu quả đối với các hành vi vi buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng theo ông Thế, với sự phát triển của khoa học công nghệ cùng với việc nhận diện, đánh giá như tình hình các đối tượng sẽ lợi dụng những lợi thế vượt trội của công nghệ thông tin để buôn lậu, gian lận thương mại, Văn phòng Thường trực đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải coi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, cần đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ cho các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, Bộ Công an ưu tiên đầu tư phương tiện trinh sát kỹ thuật, phân tích, giám định... Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan đầu tư trang bị hệ thống máy soi container tại các cảng biển, cửa khẩu quốc tế; xây dựng các trung tâm kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn, trọng điểm...
Trong khi đó, Bộ Công thương đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng... Còn Bộ Quốc phòng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiện đại hóa trang thiết bị trinh sát, kỹ thuật, tàu thuyền nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý vi phạm.
"Thời gian qua các lực lượng chức năng đã phát hiện không ít những vụ việc buôn lậu hàng giả, hàng cấm cất giấu rất tinh vi nhờ sử dụng phương tiện trinh sát kỹ thuật, phân tích, giám định'', ông Thế cho biết.