Vụ nữ sinh quyên sinh nghi do bạo lực học đường:

Cần “xốc” lại tổ tư vấn tâm lý trong trường học

Sau vụ việc đau lòng nữ sinh ở Nghệ An tự sát do bạo lực học đường (BLHĐ), PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trách nhiệm trước tiên thuộc về người lớn và rất cần “xốc” lại các phòng tư vấn tâm lý trong trường học vốn đã “tê liệt” từ nhiều năm nay.
Đau lòng nữ sinh quyên sinh nghi do bạo lực học đường Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay? Kỳ 1: Báo động tình trạng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên Việt Nam

Các phòng tâm lý học đường “tê liệt”

Thông tin nữ sinh N.T.Y.N ở Nghệ An tự sát nghi do BLHĐ đang khiến dư luận xót xa. Tình trạng bạo lực trong trường học đã nên nhức nhối nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhiều nghiên cứu đa quốc gia cho thấy, sau đại dịch Covid - 19, nhiều căn bệnh như rối loạn lo âu và trầm cảm tăng gấp 5 lần so với mức bình thường. Hậu quả từ những rối loạn tâm thần trên thường thấy nhất là hành vi tự tử có xu hướng tăng lên.

“Tỷ lệ có ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát tăng lên 3-5 lần sau với trước đây. Nếu đang ở trạng thái tâm lý bất ổn, chỉ cần sự kiện như giọt nước làm tràn ly, có thể dẫn đến những hành vi mất kiểm soát” - vị chuyên gia giáo dục này nhấn mạnh.

Cần “xốc” lại tổ tư vấn tâm lý trong trường học
Nữ sinh N.T.Y.N - nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường

Theo TS.Trần Thành Nam, sự việc đau lòng của nữ sinh N.T.Y.N cho thấy, cần phải "xốc " lại toàn bộ hệ thống trong công tác phòng chống bạo lực học đường.

“Sau mấy năm vì dồn lực cho phòng chống Covid -19 nên chúng ta sao lãng hệ thống an toàn trong trường. Ví dụ, hệ thống về phòng tư vấn tâm lý thì tê liệt, hoạt động phát hiện nguy cơ mất an toàn trong trường học, thậm chí camera góc khuất thì không vận hành” – TS Trần Thành Nam bày tỏ nỗi bức xúc và lo lắng.

Thiếu quy trình xử lý bạo lực học đường

Bày tỏ sự đau xót và đáng tiếc trước trường hợp nữ sinh N.T.Y.N đã dũng cảm nói ra với gia đình và nhà trường nhưng vẫn có kết cục đau lòng, vị chuyên gia này nói: “Bạn ấy đã rất dũng cảm để nói ra mình bị bắt nạt. Khi ấy, nữ sinh đó hy vọng nhận được sự hỗ trợ. Đáng ra, nhà trường phải đảm bảo cách thức giữ cho bạn ấy an toàn như: làm việc với đối tượng bắt nạt, với nạn nhân hỗ trợ tâm lý, giáo dục để hành vi bắt nạt đó không “leo thang” nữa.

Còn nếu giáo viên, nhà trường, gia đình chỉ nhận thông tin, cảnh báo hoặc đe dọa kẻ bắt nạt kia thì chả khác là nào “dứt dây động rừng”. Nạn nhân có thể tiếp tục bị bắt nạt dẫn đến kẻ bị bắt nạt cảm thấy tuyệt vọng vì không tìm thấy sự giúp đỡ, dẫn đến hành vi tự sát. Hậu quả này là do trách nhiệm của hệ thống, của người lớn đã chưa hành động đúng, để bảo vệ em nữ sinh an toàn trước vụ việc”.

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, tại trường học ở Việt Nam hiện nay không có tình huống xử lý sau khi khủng hoảng xảy ra. Đối với những trường hợp bị bạo lực học đường cần có những xử lý chính xác và khẩn trương. Tổ tâm lý, trong đó có vai trò của hiệu trưởng, thành viên, khi nhận được thông tin thì cần ai là người xử lý về truyền thông, ai xử lý về mặt giáo dục, để tránh hành vi bạo lực tiếp tục “leo thang… Nhưng hiện tại, chúng ta đang rất thiếu và yếu về mặt này.

Cần “xốc” lại tổ tư vấn tâm lý trong trường học
PGS.TS Trần Thành Nam

Nhấn mạnh quy trình xử lý BLHĐ, vị chuyên gia này chia sẻ: “Bước đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người bị bắt nạt; tiếp đến, cần vai trò của tổ hòa giải, gặp đối tượng bắt nạt để giáo dục, nhận thức, thậm chí là sự vào cuộc của cả gia đình người bắt nạt; rồi theo dõi người bị hại để lẳng nghe, tìm hiểu nhu cầu tâm lý… Qua sự việc này, rất cần nâng cao giáo dục trong các nhà trường, đặc biệt tổ tư vấn tâm lý học đường về xử lý tình huống sau bạo lực tại trường học và phục hồi tâm lý cho người bị bạo lực…”

Liên quan đến trường hợp em N.T.Y.N. (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, thuộc Đại học Vinh) tự vẫn vào tối 15/4 tại nhà riêng, hiện cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân.

Sự việc xuất phát từ một tài khoản tự nhận là người thân của N. chia sẻ: "Gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục chăm bẵm. Thương tiếc bao nhiêu, đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn... cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường. Tự bản thân gia đình nhận lỗi khi không nắm bắt được con/cháu mình đang rơi vào hoàn cảnh nghiêm trọng đến thế".

Người đăng tải bài viết cho biết, nữ sinh N. học lực tốt nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi người mẹ tìm hiểu mới biết con là nạn nhân của bạo lực học đường.

Ngày 17/4, lãnh đạo Trường Đại học Vinh, Trường THPT chuyên đại học Vinh, tỉnh Nghệ An đã cung cấp những thông tin ban đầu liên quan đến vụ việc này. Theo đó, ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết, trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em N. có lên gặp thầy để xin chuyển trường.

PV Báo TTPL sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự việc này.

Bảo Phương
Phiên bản di động