Đau lòng nữ sinh quyên sinh nghi do bạo lực học đường
Cụ thể, mạng xã hội lan truyền tin đồn về trường hợp em N.T.Y.N. (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, thuộc Đại học Vinh) tự vẫn vào tối 15/4 tại nhà riêng.
Theo tài khoản đăng tải thông tin này, nữ sinh N.T.Y.N học giỏi nhất nhì lớp, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường", khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.
"Mẹ có tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Trường không cho chuyển lớp nhưng nhận được các lời hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm...", tài khoản Facebook được nhận là người thân của nữ sinh viết.
Ngày 17/4, lãnh đạo Trường Đại học Vinh, Trường THPT chuyên đại học Vinh, tỉnh Nghệ An đã cung cấp những thông tin ban đầu liên quan đến vụ việc này.
Thông tin đang được lan truyền trên mạng xã hội |
Ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng Phòng Công tác Chính trị Học sinh - Sinh viên, Trường Đại học Vinh, cho biết, phía nhà trường rất sốc và đau buồn trước việc của em N.
"Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nữ sinh N. tự tử do bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý, kèm theo đó là clip học sinh đánh nhau. Phía nhà trường đang làm việc với giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong lớp để làm rõ.
Nữ sinh N.T.Y.N. |
Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết, trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em N. có lên gặp thầy để xin chuyển trường.
Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh thông tin sự việc. Ảnh: VNN |
Hiện, cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác minh sự việc.
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì BLHĐ là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Thời gian vừa qua, tình trạng BLHĐ trở thành vấn nạn trong các trường học, dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng. PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bạo lực học đường là một vấn đề xã hội nhưng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý cho các em.
"Đặc biệt, giáo viên cần chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu học sinh đến tham gia các hoạt động hỗ trợ. Triển khai rất nhiều các hoạt động để tạo ra 'sense of belonging' (cảm giác gắn bó và thân thuộc với nhà trường). Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bộc phát" - chuyên gia này nhấn mạnh.